Chùa Thập Tháp Là Một Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Thời Nguyễn, Thuộc Thôn Vạn Thuận, Xã Nhơn Thành, Huyện An Nhơn, Do Thiền Sư Nguyên Thiều Sáng Lập Vào Năm 1665. Chùa Ở Vị Trí Sát Mặt Thành Phía Bắc Kinh Đô Đồ Bàn Cũ Và Thành Hoàng Đế Sau Này, Trên Một Ngọn Đồi Cây Cối Rậm Rạp, Chu Vi Gần 1km2, Trước Mặt Là Ngọn Thiên Bút Sơn Hay Còn Gọi Là Núi Mò O. Về Mặt Phong Thủy Mà Xét Đoán, Khi Chọn Hướng Để Xây Dựng, Thiền Sư Nguyên Thiều Có Lẽ Đã Lấy Núi Này Làm Bức Bình Phong Che Chắn Cho Mặt Chính Của Chùa. Sau Lưng Được Bọc Bởi Chi Lưu Của Sông Côn Chạy Dọc Theo Sườn Đồi. Phía Bắc Là Con Sông Quai Vạc, Xưa Gọi Là Bàn Khê, Uốn Lượn Chạy Về Phía Đông, Đối Diện Với Chùa Được Thiết Kế Hồ Sen Rộng Chừng 500m2, Bờ Xây Bằng Đá Ong. Đến 1680, Chùa Chính Thức Mới Được Xây Dựng Bề Thế, Với Tên Gọi Lúc Bấy Giờ Là Di-Đà-Tự. Chất Liệu Xây Chùa Tương Truyền Dùng Gạch Của 10 Ngọn Tháp Đổ Của Người Chăm Nằm ở Phía Sau Đồi Long Bích. Hiện Nay Quanh Chùa Còn Thấy Dấu Vết Các Nền Tháp, Và Rải Rác Còn Có Một Số Mảnh Đá Trang Trí. Phía Sau Chùa Hiện Còn Có 4 Giếng Vuông Xây Bằng Đá Ong. Kiến Trúc Chùa Thập Tháp Di Đà Theo Hình Chữ Khẩu, Được Chia Thành 4 Khu Vực: Chánh Điện, Phương Trượng, Tây Đường Và Đông Đường. Các Khu Này Nối Liền Với Nhau Bằng Một Khoảng Sân Bên Trong, Còn Gọi Là Sân Thiên Tỉnh (Giếng Trời) Có Tác Dụng Điều Chỉnh Ánh Sáng Cho 4 Khu Kiến Trúc Trên. Trong 4 Khu Kiến Trúc, Chánh Điện Là Khu Được Kiến Trúc Bề Thế Nhất, Gồm 5 Gian Bằng Gỗ, Bên Trong Là Bộ Khung Có 4 Hàng Cột Cái, 4 Hàng Cột Quân, 8 Cột Con Và 16 Cột Hiên. Bộ Sườn Kết Cấu Theo Kiểu Kẻ Chuyền, ở Đầu Đỡ Thượng Lương Là Trụ Lỏng (Chày Cối) Thô, Trang Trí Họa Tiết Hoa Sen, Xếp Sách… Những Đoạn Trích Cấu Tạo Kiểu Giá Chiêng, Hai Đầu Chạm Hoa Cuộn; ở Những Điểm Như Đầu Kèo, Vật Kê Đều Được Chạm Hình Rồng Cách Điệu, Nét Trơn Uốn Lượn Trang Nhã Trong Lòng Chánh Điện Được Bài Trí Các Khám Thờ; Khám Chính Chiều Cao 5m, Bên Trên Được Chạm Lưỡng Long Tranh Châu, Hai Bên Trang Trí Kiểu Long Phụng Cách Điệu Mây Là, Giữa Đề Chữ Phúc, Phía Dưới Khám Là Đề Tài Bút Sách, Tất Cả Đều Được Sơn Son Thếp Vàng. Hai Khám Thờ Trái Và Phải Của Khám Chính, Cũng Được Bố Cục Như Vậy, Mô Típ Chạm Khắc Cầu Kỳ Hơn Được Chạm Lộng Hai Lớp, Hình Rồng Cuộn Xoáy Phức Tạp, Mang Dáng Dấp Của Mỹ Thuật Thời Lê. Ngoài Ra Còn Có 3 Khám Thờ Khác Nhưng Bố Cục 3 Khám Này Khá Đơn Giản Không Có Gì Đặc Biệt. Mặt Trước Hành Lang Là Bộ Cửa Bàn Pha, Được Ghép Liền Với Nhau Tất Cả 14 Cánh, Trên Tạo Song Tiện, Dưới Lấp Kín Chữ Phúc Và Hoa Văn Kỹ Hà. Bên Trên Ngưỡng Là Dải Ô Sen Chạy Theo Rui Cửa Chạm Bài Lệ Của Tổ Sư Đạo Nguyên Có Tất Cả 24 Chữ, Các Đầu Kèo Đưa Ra Đoạn Này Trang Trí Nhẹ Nhàng Bằng Những Hoa Văn Hình Rồng, Nét Thanh Thoát Uyển Chuyển. Bên Ngoài Hai Đầu Hồi Xây Gạch, Hệ Thống Cửa Cấu Tạo Đơn Giản. Chánh Điện Lợp Ngói Âm Dương, Mái Thẳng, Các Góc Không Cong, Bờ Nóc Chạy Thẳng, Nay Được Tạo Hình Lưỡng Long Tranh Châu. Kế Tiếp Sau Chánh Điện Là Khu Phương Trượng, Được Kiến Trúc Theo Kiểu Nam Trung Quốc, Được Cải Tạo Và Nâng Cấp Vào Năm 1973, Mái Ngói Âm Dương, Bên Trong Kết Cấu Bộ Sườn Gỗ Và Dạng Khám Thờ Được Lắp Ráp, Chạm Trổ Khá Đẹp. Khu Vực Tây Đường Và Đông Đường Cũng Được Kiến Trúc Giống Như Phương Trượng. Ngoài 4 Khu Vực Trên Phía Tây Còn Có Một Nhà Chánh Thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Công, Thập Điện…. Hình Thái Kiến Trúc Chùa Thập Tháp Hiện Nay Là Kết Quả Của Nhiều Lần Trùng Tu, Gần Đây Nhất Là Vào Năm 1997, Chùa Được Nâng Cao Lên So Với Mặt Bằng Cũ 0,60m Nhưng Khuôn Viên Kiến Trúc Vẫn Giữ Được Nguyên Như Cũ. Tuy Được Kết Hợp Hòa Quyện Giữa Cái Cũ Và Cái Mới, Nhìn Chung Hệ Thống Liên Kết Của Chùa Thập Tháp Vẫn Tuân Thủ Theo Nguyên Tắc Truyền Thống Của Kiến Trúc Việt Nam - Hoàn Toàn Dùng Mộng, Không Dùng Đinh Hoặc Lạt Buộc. Ngoài Giá Trị Về Kiến Trúc, ở Đây Còn Có Nhiều Tác Phẩm Điêu Khắc, Hiện Vật Có Giá Trị Về Nhiều Mặt Còn Được Lưu Giữ Cho Đến Ngày Hôm Nay. Mặc Dù Kiến Trúc Mới Được Làm Lại Gần Đây, Nhưng Những Gì Còn Lại ở Nơi Đây, Đã Đưa Thập Tháp Lên Hàng Đầu Trong Các Ngôi Chùa Có Kiến Trúc, Điêu Khắc Đẹp Nhất ở vùng Bình Định.

9/7/10

Tiểu Luận Kinh Pháp Hoa


A.DẪN NHẬP
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện trong cõi Sa Bà với mục đích “Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến” mà Ngài đã khẳng định trong kinh Pháp Hoa. Chúng sanh vì đắm chìm trong cảnh giả tạm của đời thường mà phải chịu luân hồi sanh tử trong muôn kiếp. Do lầm chấp vọng tưởng đảo điên lấy giả tạm làm chơn thật, bỏ hình theo bóng cho nên chúng sanh mới bị cuốn trôi theo dòng xoáy của luân hồi sinh diệt. Đức Phật luôn muốn chúng sanh nhận được cái lẽ chân thật của cuộc đời và nhận ra cái bản thể thanh tịnh của mình. Cái bản thể ấy vốn không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch vẫn thường hằng dù ở bất cứ cảnh giới nào. Đó chính là cái Tri Kiến Phật, tri kiến Như Lai, tri kiến giải thoát.. Cho nên Đức Phật mới dùng phương tiện bằng những thí dụ cụ thể để dẫn dắt chúng sanh tìm đưọc nguồn hạnh phúc thật sự của mình. Đức Phật đã dùng những hình ảnh thí dụ cụ thể trong kinh Pháp Hoa đây là phương pháp gần gũi đối với chúng sanh. Người nghe thông qua những ví dụ ấy có thể hiểu ngay và hiểu một cách chính xác ý kinh.
- Lý Do Chọn Đề Tài: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là một trong những bộ kinh Đại thừa được phổ biến rộng rãi nhất và được nhiều người trì tụng nhất. Toàn bộ những lời dạy trong kinh nhằm chỉ cho chúng sanh thấy được Tri Kiến Phật của mình. Đó là trí giác ngộ mà mỗi chúng sanh đều có. Đặc biệt, trong bộ kinh này Phật xác định chủ đích của Ngài ra đời là chỉ nói một Phật thừa chứ không có thừa nào khác, ngoại trừ phương tiện.Với bộ kinh Đại thừa được phổ biến rộng như thế chắc nhiều người sẽ cần được hiểu biết nhiều hơn về bộ kinh này. Vả lại, bộ kinh bao gồm nhiều phẩm và nghĩa lý lại cao thâm nên không phải ai cũng có thể đọc trọn bộ huống chi là hiểu hết ý nghĩa của kinh. Cho nên người viết đã chọn đề tài TÌM HIỂU THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT THÍ DỤ & ẨN DỤ QUA KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA với mục đích nhằm nêu ra một số hình ảnh thí dụ cụ thể để phân tích tìm hiểu thâm ý giáo dục mà Đức Phật đã đề cập đến.
- Phạm Vi Nghiên Cứu: Trong quá trình nghiên cứu TÌM HIỂU THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT THÍ DỤ & ẨN DỤ QUA KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA người viết đã tìm đọc các tập tài liệu có liên quan đến vấn này. Người viết phải trải qua một quá trình nghiên cứu rất công phu, đòi hỏi cần có nhiều thời gian cho việc sưu tầm và soạn thảo.Vì trong phạm vi tiểu luận này số trang có hạn. Cho nên, người viết chỉ khát quát về đề tài đã chọn.
- Phương Pháp Nghiên Cứu: Phương pháp để thực hiện tiểu luận này, người viết đã tích ít thành nhiều, dựa vào kiến thức đã học tập ở trường, cũng như một số tư liệu hiện có để so sánh và đối chiếu. Với đề tài trên, người viết sẽ sử dụng thủ pháp nghệ thuật thí dụ và ẩn dụ bằng nhiều dẫn chứng cụ thể. Nhằm mục đích tạo cho nội dung của tiểu luận thêm nhiều chi tiết mới mẻ và lôi cuốn đọc giả.
B. NỘI DUNG
1. Giới Thiệu Tổng Quát Bản Văn Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
1.1 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Là Tác Phẩm Văn Học Hán Tạng.
Phật giáo trên con đường truyền bá và hội nhập đã thực hiện hai yếu tố: khế lý và khế cơ. Khế lý là nhấn mạnh về tính tư tưởng. Khế cơ là nhấn mạnh về tính lịch sử. Nhờ khế lý, tư tưởng luôn phong phú, sâu sắc, mà mình vẫn là mình. Do khế cơ nên mọi hình thái sinh hoạt, thể hiện, truyền đạt luôn đa dạng, gắn bó mà không hề mất gốc. Cho nên: “Kinh Pháp Hoa đã đánh dấu thời kỳ lịch sử Phật giáo khi Ðức Thích Ca Mâu Ni không còn được xem là một nhân vật lịch sử phải chịu nhận số phận của một chúng sinh giả tạm, vì Ngài không còn là Ðức Phật mang tính chất người, mà chính là một vị sống bằng sự vĩnh cửu đối với lợi ích của mọi chúng sinh” . Hòa thượng Trí Quang, trong bản dịch kinh Pháp Hoa đã bàn đến câu kệ nơi phẩm Thọ lượng, đã viết: "Chỗ này nói gì? Nói Phật không mất đi đâu cả. Phật ở bên ta. Ta không thấy Phật vì cái thấy của ta thấy có sống chết mà Phật thì bất sinh bất diệt" . Để khẳng định Kinh Pháp Hoa là một tác phẩm văn học Hán tạng thì phải có những thủ pháp nghệ thuật được áp dụng. Ở đây xin nêu hai thủ pháp chính mà kinh Pháp Hoa đã sử dụng:
- Thủ pháp Thí Dụ: Là thủ pháp dùng một hình ảnh cụ thể, một trường hợp điển hình để minh họa cho một vấn đề nào đó được đưa ra. Trong các thời thuyết pháp của Đức Phật đều đưa ra những hình ảnh ví dụ. Nội dung thuyết giảng sẽ được trình bày cụ thể, đảm bảo tính trong sáng xúc tích và đem lại hiệu quả cao cho người nghe. Việc sử dụng những hình ảnh mang tính đặc trưng, nhằm chuyển hóa tâm thức chúng sanh ra khỏi tham sân si. Mỗi lời kinh tiếng kệ đều ghi nhận một hình ảnh sinh động, cụ thể để lại dấu ấn tâm linh cho người tiếp nhận thông qua những hình ảnh thí dụ tiêu biểu. Thí dụ được dùng nhiều trong kinh nhất là kinh điển Đại thừa, đơn cử là kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Đức Phật đã dụ chàng cùng tử (Phẩm Tín Giải thứ 4), dụ cỏ thuốc (Phẩm Dược Thảo thứ 5), dụ hóa thành (Phẩm hóa thành thứ 6), dụ viên ngọc trong áo (Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký thứ 8), cao nguyên đào giếng (Phẩm Pháp Sư thứ 10), dụ viên châu trên đảnh (Phẩm An Lạc Hạnh thứ 14)…, Theo kinh Pháp Hoa bản dịch của HT Thích Trí Tịnh, thành hội PG tp. HCM, 1996. Thì nhà lửa được dụ là nhà tâm thức của chúng sanh đang trú ngự. Nó đang thiêu đốt bằng những ham muốn dục vọng của tâm điên đảo. Ngôi nhà đang bốc cháy dụ cho chúng sanh đang bị bức bách bởi: sanh, già, bệnh, chết thiêu đốt ngày đêm. Ba loại xe dụ cho tam thừa (Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát) nhưng hợp nhất lại chỉ có một thừa đó chính là Phật thừa. Đặc trưng của thủ pháp nghệ thuật trong kinh Pháp Hoa là dùng thí dụ để thể hiện chân lý thì chân lý càng hiển lộ để cho chúng sanh càng thấu đạt một cách dễ dàng. Thí dụ “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô” để chỉ cho thân này là giả tạm, mong manh.
- Thủ Pháp Ẩn Dụ:
Đây vừa là thủ pháp nghệ thuật đồng thời là hiện tượng tư duy. Trong phạm vi nghĩa hẹp là biện pháp tu từ. Chuyển đặc tính của đối tượng này cho đối tượng khác theo nguyên tắc có sự tương đồng hoặc tương phản về mặt nào đó giữa chúng. Được so sánh ẩn dụ nổi bật ở tính biểu cảm. Mở ra khả năng vô tận cho việc nhìn ra nét gần nhau của những sự vật hiện tượng khác xa nhau. Thủ pháp ẩn dụ được sử dụng rất nhiều trong kinh điển Phật giáo rất đặc sắc. Thực chất ẩn dụ là một cách nghĩ mới về đối tượng, nó có thể phát hiện bản chất ẩn dấu ở mỗi đối tượng v…v. Với ẩn dụ theo nghĩa rộng như là kiểu hình tượng liên tưởng do trí tưởng tượng tạo ra ở những tình huống nhất định và nhất là với mục đích biểu cảm thẩm mĩ. Ẩn dụ là lối so sánh ngầm, như biện pháp tu từ được sử dụng rất phổ biến trong kinh điển Phật giáo. Nhìn chung nội dung đề tài của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì vô cùng phong phú, hết sức dồi dào, đa dạng. Và như chúng ta sẽ thấy, các hình ảnh thí dụ cụ thể trong kinh đã trở thành sự lôi cuốn cho nhiều thế hệ dịch giả qua các thời đại.
1.2 Giới thiệu Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Theo các tài liệu về lịch sử Phật giáo hiện đại như Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Kimura - Taiken cũng như một số tài liệu khác thì Phật giáo Đại thừa có mặt tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ I trước Tây lịch cho đến thế kỷ thứ I sau Tây lịch. Đại thừa phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ thứ II trở đi. Kinh Pháp Hoa xuất hiện vào năm 286 TL do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch đề là Chánh Pháp Hoa Kinh (10 quyển). Trước đó không lâu vào năm 256 TL tại Giao Châu có Ngài Chi Cương Lương cũng dịch lấy tên là Pháp Hoa Tam Muội (6 quyển), nhưng hiện trong Tạng chỉ có một quyển Pháp Hoa Tam Muội do Trí Nghiêm đời Lưu Tống dịch. Ðời Ðao Tần, Ngài La Thập dịch vào năm 404 lấy tên Diệu Pháp Liên Hoa (7 quyển). Ðời Tùy năm 601 TL hai Ngài Xà Na và Cấp Ða cũng dịch lấy tên là Thiên Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa (7 quyển). Bộ Pháp Hoa thường được nghiên cứu học hỏi là bộ do Ngài La Thập dịch 7 quyển 28 phẩm. Thiên Thai tông chọn kinh này làm bản kinh chính yếu để lập tông, và chia 28 phẩm ra làm hai phần: Phần đầu gồm 14 phẩm trước, gọi là tích môn tích hóa, gọi tắt là tích môn, phần sau gồm 14 phẩm sau, gọi là bản môn bản hóa, gọi tắt là bản môn (môn dạy không phải là cửa mà là phương diện). Sự phát triển Phật giáo Đại thừa là tất yếu để đáp ứng nhu cầu tâm thức và tâm linh của thời đại. Trước Pháp Hoa, kinh điển Đại thừa đã xuất hiện khá phong phú như Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Duy Ma Cật v.v… Pháp Hoa xuất hiện như là bước tiếp nối tổng hợp tư tưởng Đại thừa của các kinh trên. Kinh Pháp Hoa, xét về mặt số lượng thì chỉ là một bộ kinh loại vừa, nhưng về mặt tư tưởng, với việc thuyết minh cùng khẳng định giáo pháp Nhất thừa, khẳng định khả tính giác ngộ nơi mọi chúng sinh, khẳng định tính thường trụ của Phật trong mọi hiện hữu..., nên các nhà nghiên cứu Phật học Ðông, Tây, xưa nay đều xác nhận đây là bộ kinh thuộc loại vĩ đại của Phật giáo Bắc truyền. Học giả Nhật Bản Nikkyo Niwano, nơi lời nói đầu của sách "Ðạo Phật ngày nay, một diễn dịch mới về 3 bộ Pháp Hoa" (Buddhism For Today, a modern interpretation of the threefold Lotus Sùtra) đã viết: "Theo ý kiến thông thường được chấp nhận thì trong các kinh Phật, kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma-pundarika-sùtra) thường được gọi là kinh Pháp Hoa, là kinh tuyệt diệu nhất..." .
1.3 Tóm tắt nội dung Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Đề kinh tiếng Phạn là Saddharma Pundarika Sutra. Từ “Sad” ngài Pháp Hội dịch là Chánh, ngài La Thập dịch là Diệu; “Dharma” là pháp; “Pundarika” là hoa sen trắng; “Sutra” là kinh. Dịch là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, gọi tắt là Pháp Hoa Kinh. Diệu pháp là chân lý. Chân lý có chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Hoa sen trắng tượng trưng cho sự thanh khiết, thanh tịnh, không ô nhiễm. Vậy Diệu pháp là Thật tướng không tách khỏi cuộc đời bụi bặm. Trong cõi ô trược, chúng sanh vẫn có thể vươn lên giải thoát hoàn toàn, như hoa sen mọc ở trong bùn mà vươn lên trên bùn, không bị ô nhiễm mà còn tỏa sắc hương. Kinh Pháp Hoa được giới thiệu trình bày qua hai hình thức : -Giới thiệu kinh qua chủ đề “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”: Phẩm Tựa trình bày tổng quát hiện tượng và bản thể của vũ trụ pháp giới. Phẩm 2 đến phẩm 10 mở bày cái thấy biết của Phật. Phẩm 11 đến 22 chỉ cho thấy chỗ thâm áo của Phật tri kiến. Phẩm 23 đến 28 nói về thể nhập Phật tri kiến. - Giới thiệu kinh qua khái niệm về Tích môn và Bổn môn của tông Thiên Thai. Kinh Pháp Hoa chia làm 2 phần : 14 phẩm đầu thuộc Tích môn, 14 phẩm sau thuộc Bổn môn. Phần Tích môn chia làm 3 phần : Dẫn nhập, chánh tông và kết luận. Phẩm 1 là dẫn nhập, phẩm 2 đến phẩm 9 là chánh tông, phẩm 10 đến 14 là kết. Phần Bổn môn cũng chia làm 3 phần như trên. Nửa đầu phảm 15 là phần dẫn nhập (có nơi cho rằng phẩm 1 là phần dẫn nhập cho cả 2 môn). Nửa phần sau của phẩm 15 đến phẩm 16 và nửa đầu phẩm 17 là phần chánh tông, nửa sau của phẩm 17 cho đến phẩm 28 là phần kết. Phần Tích môn là phần giáo lý của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có sanh ra, lớn lên, xuất gia, thành đạo, nhập diệt, dạy giáo lý thoát khổ ở cõi thế gian này. Trong kinh, phần nào thuyết pháp ở núi Linh Thứu thì thuộc về Tích môn, còn gọi là Chân lý tương đối. Phần Bổn môn là phần gốc, là nền tảng của Tích môn. Nghĩa là Đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp. Phật hiện hữu suốt chiều dài của thời gian và phổ biến cả không gian. Chân lý của Bổn môn là tuyệt đối. Nhờ giáo lý Bổn môn mà lý giải tất cả chúng sanh đều thành Phật, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đây là điểm đặc thù của Pháp Hoa.
2. Tìm Hiểu Thủ Pháp Nghệ Thuật Thí Dụ & Ẩn Dụ Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa có 28 phẩm nói về Diệu pháp, không ngoài quyền, thật, bản, tích mà Đức Phật muốn nói. Quyền là chín cõi và ba thừa. Thật là cõi Phật và Nhất thừa. Bản là Phật đã thành Phật từ lâu vô lượng kiếp. Tích là việc giáo hóa sau khi chứng đạo dưới cội Bồ-đề. Mười bốn phầm đầu là Tích môn, khai quyền hiển thật. Mười bốn phẩm sau là Bản môn, khai tích hiển bản. Nhưng hai môn Tích, Bản, Khai và Hiển lại tùy theo căn cơ có lợi độn mà có ra ba châu bảy dụ không đồng. Ba châu là: Pháp thuyết châu: Vì hạng người thượng căn, nói về Nhất thừa. Tam thừa, chỉ có một người là Xá-Lợi-Phất đắc ngộ, mà chính trong phẩm Phương tiện nói rõ. Dụ thuyết châu: Vì hạng người trung căn, nói về ba xe, một xe. Có bốn đại đệ tử là Ca-Diếp .v.v.. lãnh hội, mà chính trong phẩm Thí dụ nói rõ. Nhân duyên thuyết châu: Vì hạng người hạ căn nói về nhân duyên đời trước. Có một ngàn hai trăm Thanh Văn được thọ ký, mà chính trong phẩm Hóa thành dụ nói rõ. Việc giáo hóa theo Tích môn như vậy rốt cùng ở tại ba châu. Châu có nghĩa là rốt cùng. Rốt cùng đối lại với bắt đầu. Hạng thượng căn bắt đầu ở tại Lộc Uyển, bẩm thụ tiểu pháp, rốt cùng ở tại hội Pháp Hoa được thọ ký. Hạng trung căn chiếu theo đó mà biết. Hạng hạ căn bắt đầu gieo giống lành ở tại chỗ Phật Đại Thông đời quá khứ, rốt cùng nhờ tại hội Pháp Hoa nhắc lại nhân duyên mà được mở tỏ. Vì thế gọi là ba châu. Bảy dụ là: Dụ Nhà lửa, Dụ Cùng tử, Dụ Cỏ thuốc, Dụ hóa thành, Dụ Ngọc trong áo, Dụ viên châu trên đỉnh, Dụ Thầy thuốc. Với những dụ này đã khiến cho chúng sanh nghe pháp tự hiểu, khởi tâm tin tri kiến của Như Lai. Bởi chúng sanh từ lâu đã mê lầm trong bóng tối, nay nghe pháp Phật nói liễu ngộ tự tâm giông như hoa sen nở. Ở đây chúng ta cần tìm hiểu kỹ về bảy dụ trên được thông qua vài phẩm trong kinh để thấy được thủ pháp nghệ thuật Thí dụ & Ẩn dụ trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
2.1 Phẩm Thí Dụ
Trong phẩm này Đức Phật dùng hình ảnh ngôi nhà hư sụp nguy hiểm, đầy những ác quỷ, trùng độc, thú dữ, lại thêm lửa dữ tứ bề để diễn tả một thực trạng sống khốn khổ của chúng sanh trong Tam giới. Các con ngu dại, tự thân ở trong chỗ nguy hiểm ập tới mà vẫn mê say vui đùa không hay không biết để ví cho sự mê lầm của chúng sanh. Trưởng giả vì cứu các con mà phải tự mình vào nhà lửa, tìm phương cách để dụ dẫn các con ra khỏi nhà lửa. Trước nói thực trạng hiểm nguy mà các con không hiểu, không nghe theo; sau cùng Trưởng giả phải dùng phương tiện nói hứa cho các con ba xe để ngoài cửa. Ba thứ xe mà ông Trưởng giả nói cho các con là xe dê, xe hươu, xe trâu.Ba thứ xe mà ông Trưởng giả nói cho các con là xe dê, xe hươu, xe trâu. Xe dê là chỉ cho hàng Thanh Văn Tiểu Quả chỉ cầu tự thân thoát ly tham, sân, si, khổ đau của sinh tử, nhờ sự chỉ đạo của đạo sư. Xe hươu là chỉ cho bậc Duyên Giác Trung thừa, những vị tự giải thoát khỏi tam giới do nỗ lực của tự thân, có trí tuệ giải thoát mạnh hơn hàng Thanh Văn. Xe trâu là chỉ cho hàng Bồ Tát, những bậc có khả năng tự đi ra khỏi tam giới, ngoài ra còn có khả năng và hạnh nguyện giúp cho các chúng sanh khác đi ra khỏi tam giới không mệt mỏi. Hàng đệ tử này đang đi vào Phật trí. Mặc dù ông Trưởng giả hứa cho các con ba thứ xe nhưng khi chúng ra ngoài an ổn ông chỉ ban cho một thứ xe lớn. “Xe đó cao rộng, chưng dọn bằng các món báu, lan can bao quanh, bốn phía treo linh, lại dùng màn lọng giăng che ở trên, cũng dùng đồ báu đẹp tốt lạ mà trau dồi đó, dây bằng báu kết thắt các dãi hoa rũ xuống, nệm chiếu mềm mại trải chồng, gối đỏ để trên, dùng trâu trắng kéo, sắc da mập sạch, thân hình mập đẹp, có sức rất mạnh, bước đi ngay thẳng mau lẹ như gió, lại có đông tôi tớ hầu hạ đó” . Xe lớn là dụ cho Đại thừa giáo pháp mà Đức phật muốn mọi người sẽ đạt tới cứu cánh quả vị Phật. Biết tâm niệm chúng sanh còn thấp kém chưa thể nói ngay Nhất thừa nên Phật phương tiện nói Tam thừa. Đức Phật thấy chúng sanh chỉ ham quả vị nhỏ, chưa có ý mong muốn Niết bàn rốt ráo nên mới thuận theo họ nói những pháp họ ưa thích. Sau đó, Phật chỉ nói Nhất thừa mà không nói theo chỗ đã hứa vì Phật thấy được trong hội chúng đã có sự chuyển đổi và có thể lãnh hội được. Ba Xe của Trưởng giả hay Tam thừa của đức Phật là những phương tiện nhằm đối trị tâm niệm chúng sanh trong một giai đoạn nhất định nào đó. Khi đã đạt được rồi thì không thể giữ mãi pháp ấy.
2.2 Phẩm Tín Giải
Các vị Tôn giả như Đại Mục-kiền-liên, Đại-Ca-diếp, Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên nghe đức Phật nói thí dụ Nhà Lửa và Ba Xe, đã liễu ngộ nên rất vui mừng và sanh lòng tin kiên cố. Từ đó các Ngài trình lên Thế Tôn nỗi vui mừng của mình qua ví dụ gã Cùng Tử trong phẩm Tín Giải. Tín giải là nấc thang rất quan trọng đầu tiên để hành giả tu tập bước vào đạo. Người tu hành nếu không tin thì không bao giờ nghe lời Phật dạy. Nhưng dù có nghe lời Phật dạy mà không tin thì chắc họ cũng không tìm hiểu làm gì. Từ lòng tin đó mà nghe và hiểu rồi suy nghĩ thì mới có giải. Từ sự giải đó mà biết có hành. Có hành thì mới có chứng. Cho nên tín, giải, hành, chứng là bốn tầng thứ bậc của sự tu hành đối với giáo lý hạnh quả. Chữ tín rất quan trọng nên Luận Đại Trí Độ nói: “Phật pháp như biển cả, có tin mới vào được, có trí mới qua được”. Sách Nho cũng nói: “Người không có lòng tin không lập được” (vô nhân vô tín bất lập). Nhưng tín mà không có tuệ là tin mù quáng trở nên cuồng tín, còn có tuệ mà không có tín thì tuệ đó là thế trí biện thông, dễ đi vào tà kiến. Cho nên, hành giả phải có đầy đủ tín giải mới đi vào Phật pháp được. Cho nên, giáo pháp của Phật nói ra chỉ có Nhất thừa hay Phật thừa mà thôi. Tuy nhiên, vì căn cơ của chúng sanh chưa hiểu thấu, chưa rốt ráo nên phương tiện nói Tam thừa và Tam thừa ấy cuối cùng rồi cũng đi đến Nhất thừa. Tam thừa ví như hành giả đang đi được nửa đường tới Nhất thừa chứ không phải đến nơi nào khác. Tới đây các Ngài hiểu vì sao Phật “Khai quyền hiển thật” nên đã tín giải. Từ trước đến giờ, các Ngài chỉ niệm tưởng đến ba môn giải thoát là không, vô tướng, vô tác, không có ý mong cầu quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác. Trong phẩm này Đức Phật đã sử dụng pháp đồng sự như là một phương tiện để độ sanh. Trong phẩm nầy kể chuyện Đức Phật qua hình tượng ông Trưởng Giả đã cùng làm việc với chúng sanh, cùng trò chuyện với chúng sanh và chỉ cho chúng sanh những phương pháp tu tập vượt thoát khổ đau. Đức Phật đã chỉ cho chúng sanh ánh sáng chân lí của cuộc đời, như sự nhiệm mầu trong cuộc sống mà rất ít người nhận ra. Chánh kinh đã diễn tả ông trưởng giả đã mặc áo thô rách trỉn dơ đến gần gã Cùng Tử để cho gã không còn thấy sự cách biệt giữa ông chủ và kẻ tôi tớ. Vì ông biết gã Cùng Tử nầy chính là con mình vì một niệm sai lầm đã rời bỏ ông đi lang thang khi khi còn nhỏ dại. Khiến cho cuộc sống phải lao đao lận đận vô cùng. Ông trưởng giả thương xót con mình bèn dùng phương tiện đến gần với con, để an ủi, để chỉ bày, lần lần tập cho con dần làm chủ rồi mới tuyên bố nhận con. Đức Phật cũng vậy đến với hết thảy chúng sanh bằng tất cả cuộc đời mình. Đức Phật biết rõ chúng sanh vốn do bị si mê lầm chấp mà xa rời chân tánh (nhân tối sơ nhất niệm sai thù - 因最 初 一 念 差 殊). Nên Ngài đến với chúng sanh như một người đồng sự để sẻ chia bao nỗi khổ đau của con người, rồi lựa chọn những cơ hội thuận tiện giảng giải cho họ nghe những chân lí mà Ngài đã tìm ra. Chúng sanh nhờ đó mà thoát khỏi sanh tử luân hồi.
2.3 Phẩm Dược Thảo Dụ
Chỉ vì chúng sanh căn tánh không đồng, nên tùy theo mọi loại mà tự thành lãnh thọ. Vì muốn giải quyết nghĩa bình đẳng để ngừa sự nhận lầm, nên Đức Phật nói phẩm Dược Thảo Dụ: Mây đầy khắp trời che trùm muôn vật, đồng một loạt mưa xuống, chỉ rưới một thứ nước, cũng không chỗ ít chỗ nhiều. Mặc dù một trận mưa không mảy mún riêng tư nhưng các thứ loại cỏ tùy theo phận của mình mà được thấm nhuần mỗi mỗi riêng khác. Cứ xem nơi cỏ cây thời ấy sự hấp thụ không đồng, nhưng không đồng là tự cây cỏ nơi giống loại sai khác, chứ nước mưa chỉ một vị mà thôi. Đức Phật đưa hình ảnh ví dụ những cây cỏ để ẩn dụ cho lòng từ bi của ngài bao la rộng lớn bao bọc cả quần sanh, dùng Viên âm ban cho phép Nhất vị bình đẳng Pháp của Như Lai vốn không sai khác, mà có sai khác là nơi căn cơ của chúng sanh không đồng đều. Qua đây chúng ta thấy rõ tôn ý của Phật là “Chỉ có một thừa không hai cũng không ba” làm cho người nghe xong dụ Dược Thảo liền trừ chấp kiến, có thể sâu vào pháp huệ bình đẳng của Như Lai chính là khai hiển Phật tri kiến vậy. Tóm lại, chúng sanh bình đẳng về chủng trí, Phật bình đẳng Phật nói pháp nhất thừa. Còn lợi ích về sự giải thoát cũng bình đẳng nhưng tuỳ theo sự hấp thụ của mỗi loài. Ở đây chúng ta nên hiểu bình đẳng ở chất chứ không phải lượng.Tư tưởng này ngay trong Phẩm Phương Tiện Phật đã nói qua bài kệ: “Chư Phật lưỡng túc tônBiết pháp thường không tínhGiống Phật theo duyên sanh, Cho nên nói nhất thừa, Là pháp trụ pháp vị, Tướng thế gian thường trụ”. Bài kệ này đã khẳng định sự bình đẳng một cách tuyệt đối và trường tồn.
2.4 Phẩm Hóa Thành Dụ
Đức Phật đã sử dụng hóa thành để làm phương tiện để dìu dắt chúng sanh dần dần ra khỏi biển khổ sanh tử đạt đến Tri Kiến Phật. Chúng sanh căn tánh ám độn phần nhiều giãi đãi biếng nhác chỉ thích làm những công việc dễ làm lại hay nghi ngờ khả năng của chính mình, đây gọi là ti mạn. Với những loại chúng sanh như thế Đức Phật đã sử dụng hóa thành như một phương tiện để độ họ. Vì sao? Vì ai cũng mong muốn con đường đi của mình thật ngắn, thật nhanh đến đích. Nên Đức Phật đã dựng lên hóa thành để chúng sanh có điểm tựa dùng làm nghỉ ngơi, khiến cho thần trí sau khi nghỉ trở nên minh mẫn, nhiệt huyết tràn đầy trở lại, Đức Phật mới diệt hóa thành đưa họ đến bảo sở để đạt được sự cứu cánh toàn vẹn. Hóa thành là niết bàn hữu dư y của hàng Thanh Văn. Bảo sở ấy chính là Tri Kiến Phật, tri kiến Như Lai là niết bàn vô dư y. Như vậy, Hóa thành là phương tiện, Bảo Sở là cứu cánh muốn đạt được cứu cánh tất phải sử dụng phương tiện. Đức Phật cũng thế muốn chỉ cho chúng sanh Tri Kiến Phật, tri kiến giải thoát tất phải dùng phương tiện quyền biến. Tại phẩm nầy Đức Phật không những quyền biến phương tiện tạo ra hóa thành như niết bàn cho hàng Thanh Văn. Để cho hàng đệ tử không thấy ngán ngại Phật Đạo sâu xa khó thành tựu được , mà Đức Phật còn dùng thuyết nhơn duyên để làm rõ căn cơ nhiều đời nhiều của hàng đệ tử khiến họ nhận rõ bản tâm vốn không sanh không diệt. Từ những nhân duyên Đức Phật chỉ ra cho hàng đệ tử đương cơ biết rằng; thật ra họ từ lâu đã theo học với Thế Tôn chứ không phải chỉ mới kiếp nầy. Từ đó nguời đệ tử ý thức được con đường của mình đã đi, đang đi và sẽ đi, những kết quả mà mình đạt được, đang đạt được và sẽ đạt được tri kiến giải thoát, Tri Kiến Phật để hoàn thành sự nghiệp giải thoát cho chính mình.
2.5 Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
Trong phẩm này năm trăm vị đệ tử của Phật đã được thọ ký xong, các vị nói ví dụ để tỏ chỗ sai lầm của mình “Thí như có người đến nhà bạn thân say rượu mà nằm. Lúc đó người bạn thân có việc quan phải đi mới lấy châu báu vô giá cột trong áo của gã say cho đó rồi đi. Gã đó say nằm không hay biết, sau khi dậy bèn dạo đi đến nước khác. Vì việc ăn mặc gã phải gắng sức cầu tìm rất nỗi khó nhọc, nếu có được chút ít bèn cho là đủ. Lúc sau người bạn thân gặp gỡ thấy gã bèn bảo rằng: chao ôi! Anh này, sao lại vì ăn mặc mà đến nỗi này. Ta lúc trước muốn cho anh được an vui đem châu báu vô giá cột vào áo anh, nay vẫn còn đó, mà anh không biết. Nay anh đem ngọc báu đó đổi lấy đồ cần dùng, thì thường được vừa ý, không bị thiếu thốn.” .Ở đây, Các vị Thánh đệ tử ví mình như gã say rượu không nhận ra châu báu vô giá.Viên ngọc vô giá dụ cho hạt giống Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Được chút ít cho là đủ cũng như sự chấp nhận quả nhỏ của các vị A la hán.Người bạn chỉ châu báu trong áo dụ cho đức Phật giác ngộ cho hàng Thanh Văn phải thấy được Phật trí mới thật là diệt độ. Ở những phần trước, đức Phật nói pháp và lần lượt thọ ký cho những bậc thượng căn thượng trí. Đến đây, Phật tiếp tục thọ ký rộng rãi cho đến chúng sanh hạ căn. Đây là điều mà Thế Tôn đã đề cập một cách tế nhị trong phẩm thứ hai: “Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật vì tất cả đều có Phật tánh”. Việc thọ ký cho hội chúng Thanh Văn thành Phật một lần nữa thiết lập lòng tin cho chúng sanh về khả năng thành Phật của mình. Sự vui mừng của 500 vị A la hán khi giác ngộ giáo lý Nhất thừa là một sự thật để xác định lại ý nghĩa trên, tức là khả năng thành Phật. Qua đó, chúng sanh càng tin tưởng hơn lời dạy của Phật để phấn đấu tu tập đạt được mục đích giải thoát. Ngọc vô giá hay Phật tính vốn có sẵn nơi mỗi chúng sanh. Nó không phải ở đâu xa mà nó rất gần gũi, ngay trong ta. Phật tính ấy rất mầu nhiệm, không phải mong cầu, chờ đợi hay chiếm đắc mà được bởi vì Phật tính hay thực tại vô ngã tính nằm ở khắp mọi nơi xưa nay như vậy. Chỉ khi nào chúng sanh quay về thực tại không còn chấp trước tham ái thì sẽ thấy Phật tính ấy hiển hiện. Cũng như chư vị A la hán, khi quay về đạo Nhất thừa cảm thấy vô cùng vui sướng vậy.
2.6 Phẩm An Lạc Hạnh
Trong phẩm này có thí dụ một vị vua Chuyển Luân Thánh Vương muốn hàng phục các nước nhỏ mà các nước nhỏ không tuân mạng lệnh, nên vua đem binh đánh dẹp. Quan quân đánh giặc có công, vua tuỳ theo công mà ban thưởng cho ngọc ngà châu báu hay thành ấp…Đối với vị tướng lãnh có công lớn nhất thì vua lấy hạt minh châu trong búi tóc mà thưởng. Khi vua thưởng hạt minh châu ấy, tất cả quyến thuộc đều kinh ngạc, vì hạt minh châu là vật quý nhất mà vua lại lấy đem ra ban thưởng.Chuyển Luân Thánh Vương là dụ cho Phật Binh tướng là dụ cho các vị Thánh đệ tử PhậtGiặc là các ma phiền não, ma ngũ ấm, ma chết…Minh châu trong búi tóc dụ cho Kinh Pháp Hoa. Qua nội dung trên, khi các quan binh đánh giặc có công thì vua ban thưởng tuỳ theo công đó. Chỉ có người có công nhiều nhất mới được vua ban viên minh châu vì nó quý và chỉ có một. Đức Phật cũng vậy. Các đệ tử chiến đấu với ma ngũ ấm, ma phiền não... tùy theo công mà Phật có những pháp ban thưởng như thiền định, giải thoát, vô lậu, thành quách Niết bàn…. Tuy nhiên, chỉ có người có công lớn nhất Phật mới ban thưởng Kinh Pháp Hoa. Từ ý nghĩa này, ẩn dụ cho hành giả cần phải tu tập nhìn lại mình để xem mình đã có công gì chưa và Phật đã ban thưởng gì không. Nếu chúng ta chiến thắng những thứ ma như đã nói trên tức là chúng ta đã có công và tất nhiên là có thưởng. Phần thưởng là sự an lạc hạnh phúc ngay trong hiện tại.
2.7 Phẩm Như Lai Thọ Lượng
Trong phẩm này có ví dụ “Ví như vị lương y, trí tụê sáng suốt, khéo luyện phương thuốc trị các bệnh. Người đó nhiều con cái……………Người cha nghe các con đều đã lành mạnh, liền trở về cho các con đều thấy” . Ở đây vị lương y dụ cho đức Phật Các con uống nhầm thuốc độc dụ cho sự vô minh tham ái. Những người con chịu uống thuốc khỏi bệnh dụ cho chúng sanh nghe pháp và hành pháp, thoát khỏi vô minh tham ái. Những người con không chịu uống thuốc dụ cho chúng sanh chìm đắm quá sâu vào ngũ dục,vô minh. Người cha bỏ nhà đi nước khác dụ cho Phật phương tiện Niết bàn. Người cha trở về dụ cho Như Lai bất sanh bất diệt. Qua thí dụ chúng ta có thể rút ra. Từ khi đức Phật thành đạo đến khi nhập diệt, những bài pháp của Ngài nói ra luôn tuỳ thuộc vào trình độ tu chứng của chúng sanh.Sự kiện đức Phật nói là đã thành Phật từ vô lượng kiếp và đã giáo hoá vô lượng chúng Bồ tát tại cõi Ta bà này đã làm cho hội chúng ngơ ngác mặc dù vẫn tin rằng đó là lời nói thật. Từ trước đến nay, ai cũng thấy rằng đức Phật xuất thân từ dòng họ Thích, tu chứng đạo và trong 45 năm thuyết pháp độ sanh. Nay bỗng nghe nói đã thành Phật từ lâu, đó là một chuyện lạ. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm đức Phật ứng hóa thân thì sự nhìn nhận của hội chúng là đúng sự thật. Đó là một đức Phật lịch sử có sinh có diệt. Vì sự hiểu biết đến mức độ ấy nên họ chưa hiểu được ý nghĩa khác mà Phật muốn ở đây.Ở giai đoạn đầu Phật giảng giáo lý theo cấp độ thấp nên chưa nói lên sự kiện khó tin khó hiểu này. Nhưng khi thấy được căn tánh chúng sanh đã tiến bộ nhiều Phật mới nói phần cốt lõi của kinh. Đó là Phật nói về một đức Phật bất sanh bất diệt, tức nói đến Phật pháp thân. Pháp thân là vô ngã, không do ngũ uẩn hợp thành nên không sanh và không diệt. Pháp thân lấy pháp làm thân nên không hạn lượng bởi vì pháp giới tánh châu biến và bao trùm tất cả. Như vậy, nói thọ lượng của Như Lai vô lượng vô biên là nói về thọ lượng của pháp thân bất sanh bất diệt. Đây là phần quan trọng mà bất cứ hành giả tu tập nào cũng phải nhận chân được.
3. Vị Trí Và Vai Trò Của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Trong Đời Sống
3.1 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Với Đời Sống Văn Hóa
Kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh quan trọng nhất trong truyền thống Phật giáo Đại Thừa. Trong lĩnh vực văn hóa, với những ảnh hưởng to lớn của bộ kinh này trong các sinh hoạt xã hội tại các nước Phật giáo Đại Thừa, bộ kinh này được xem là một trong ba kiệt tác tôn giáo lớn của Châu Á . Về phương diện tâm linh, bộ kinh này là nguồn năng lượng đã “sưởi ấm hàng triệu triệu trái tim trên mảnh đất Đông Á suốt mười lăm thế kỷ qua.” Pháp sư N. Niwano đã gọi bộ kinh này là “Thánh kinh Á Châu”. Cùng với kinh Đạo Hành Bát Nhã, kinh Pháp Hoa cũng được kiết tập ngay trong giai đoạn đầu tiên của truyền thống Đại Thừa tại Ấn Độ. Bộ kinh này được phổ biến và rất thịnh hành ở Trung Á vào thời Trung Cổ. Tại Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, kinh Pháp Hoa đã nhanh chóng thu những nhà thông thái tại những xứ sở này ngay khi những bản dịch đầu tiên của bộ kinh được hoàn thành. Vai trò của kinh Pháp Hoa đối với con người không chỉ thể hiện trên phương diện triết học và tôn giáo, mà còn được biểu hiện trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian. Khi nói đến vị trí kinh Pháp Hoa trong đời sống văn hóa, người ta đã khẳng định được ảnh hưởng của bộ kinh này trên lĩnh vực điêu khắc và hội họa vì rằng nội dung và tư tưởng của bộ kinh này không phải là chủ đề phổ biến trong các công trình nghệ thuật Phật giáo (hiện còn ở Ấn Độ). Tuy nhiên, các bản sớ giải liên quan đến bộ kinh này của các luận sư Ấn thuộc những tông phái khác nhau là những biểu hiện cụ thể về vai trò của Kinh Pháp Hoa trong đời sống văn hóa dân tộc.
3.2 Kinh Pháp Hoa Với Đời Sống Thực Nghiệm Tâm Linh
Ảnh hưởng của kinh Pháp Hoa trong đời sống thực nghiệm tâm linh của con người, đó là việc trì tụng và công đức to lớn khi trì tụng bộ kinh này. Điều này được minh họa qua một câu chuyện trong chương thứ IX của Đại Trí Độ Luận, một trong những tác phẩm lớn của luận sư Long Thọ như sau: “Có một vị Tỳ Kheo cư trú tại A-lan-nhã và thường trì tụng kinh điển Đại Thừa. Quốc Vương xứ ấy vô cùng kính trọng vị Tỳ Kheo đó và ông thường dùng tóc trải trên đường đi của vị Tỳ Kheo để tỏ lòng tôn kính của mình. Lúc ấy có người thưa với nhà vua rằng vị Tỳ Kheo kia vốn ít đọc tụng kinh điển, cớ sao nhà vua lại tỏ lòng cung kính hết mực như thế. Vị quốc vương bèn kể lại rằng vào một đêm nọ, vì có việc cấp thiết nên vua tìm đến chỗ ở của vị Tỳ-kheo kia. Lúc đó vị ấy đang ở trong động và tụng kinh Pháp Hoa. Vua bỗng thấy có một người sắc vàng sáng chói cưỡi voi trắng đến bên vị Tỳ-kheo đó chắp tay cúng dường. Nhà vua bèn đi đến gần thì vị ấy biến mất. Vua lấy làm lạ và hỏi vị Tỳ-kheo đó rằng người sắc vàng kia là ai. Vị Tỳ-kheo đáp rằng đó là Bồ-tát Biến Cát (Phổ Hiền). Vị Bồ-tát này có nguyện rằng nếu có ai trì tụng kinh Pháp Hoa thì ngài sẽ cưỡi voi trắng đến để giáo đạo. Vì tôi tụng kinh Pháp Hoa nên Bồ-tát đã đến để hộ trì” . Câu chuyện này phần nào cũng cho ta thấy rằng ảnh hưởng của kinh Pháp Hoa không chỉ hạn cuộc trên phương diện tư tưởng, mà còn bao hàm cả nếp sống thường nhật của con người. Tất cả mọi cử chỉ việc làm của con người sẽ ảnh hưởng đến vấn đề giải thoát trong tương lai, nếu hành giả thực hành kinh Pháp Hoa luôn luôn được các chư Phật thọ ký đúng theo lời kinh nói “Sau khi đức Như-Lai diệt độ, nếu có người nghe kinh Diệu-Pháp-Liên-Hoa, nhẫn đến một câu niệm tùy hỷ đó, ta cũng thọ ký đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác cho” . Kinh Pháp Hoa được phổ biến trên phương diện hành trì, tu tập, thờ phụng, và có ảnh hưởng nhiều trong đời sống con người tiêu biểu trong Tống Cao Tăng Truyện cho biết ngài Thủ Tố (đầu TK IX), một cao tăng thường thuyết giảng kinh Pháp Hoa tại chùa Đại Hưng Thiện, đã trì tụng bộ kinh này ba vạn bảy ngàn biến trong suốt ba mươi năm. Một nhà sư khác là Huệ Tịnh đã trì tụng bộ kinh này trong suốt mười năm ẩn tu trên núi cao. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975), một vị cao tăng chủ trương dung hợp Thiền-Tịnh, đã trì tụng bộ kinh này một vạn ba ngàn biến và đưa ra pháp môn “Ngày tụng Pháp Hoa, đêm tọa thiền”. Lục Nguyên (1110-1194), một viên quan lại đời Tống, mỗi ngày tụng một biến kinh Pháp Hoa trong suốt ba mươi năm, và kể từ năm tám mươi tuổi, mỗi ngày tụng ba biến và có người thường chú trọng vào việc xây dựng chùa tháp, tạc tượng, lễ bái kinh điển… theo lời dạy trong kinh Pháp Hoa. Phẩm Phổ Môn và tín ngưỡng về đức Quán Thế Âm luôn gắn liền với những sinh hoạt tu tập không chỉ trong cộng đồng Phật giáo và ngay cả trong đời sống dân gian. Các hình ảnh ẩn dụ và tư tưởng của bộ kinh này đã trở thành đề tài cho các công trình nghệ thuật và điêu khắc trải qua nhiều thời đại.
C. KẾT LUẬN
Qua nội dung Tìm Hiểu Thủ Pháp Nghệ Thuật Thí Dụ & Ẩn Dụ Qua Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã giúp chúng ta hiểu được bản hoài thị hiện của Đức Phật không ngoài mụch đích “Khai phát, chỉ thị ngộ trì, chứng nhập Phật tri kiến”. Trong kinh đã dùng những thí dụ để nêu lên những hình ảnh tạo nên sự lôi cuốn cho người nghiên cứu kinh văn Pháp Hoa. Từ những thí dụ đó chúng ta có thể hiểu được ẩn dụ mà Phật muốn nói. Đó chính là Nhất thừa hay Phật thừa mà Phật đã dùng phương tiện để chuyển tải hệ thống giáo lý. Thông qua nội dung Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ta nhận định: “Đây là một trong những bộ kinh hàm chứa những triết lý thâm thúy nhất của truyền thống Đại Thừa, kinh Pháp Hoa đã sớm trở thành một dòng tư tưởng và là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà Đại Thừa nơi mỗi phương trời khác nhau”. Sự hiện hữu của nhiều nguyên bản và dịch bản của bộ kinh này đã phần nào nói lên được vai trò của bộ kinh trên phương diện tư tưởng và văn hóa của Phật giáo. Những ẩn dụ, hình ảnh, tư tưởng, sự kiện trong bộ kinh này rất sống động, hoa mỹ, nhưng cũng không kém phần bình dị, thực tế, vẫn luôn là nguồn động lực làm hành trang cho những hành giả mang tâm hồn vị tha đang thực hiện những hoài bão và hạnh nguyện của mình ngay trong cuộc đời này.Nhìn chung nội dung kinh đã dạy con người hướng đến hạnh phúc cao thượng hơn,vượt khỏi sự hệ lụy của vật chất đời thường, như hình ảnh hoa sen trong ca dao Việt Nam đã chứng minh :
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Đây chính là tư tưởng “Cư trần mà bất nhiễm trần” mà chư Phật trong ba đời đã khẳng định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. HT Thích Thanh Kiểm, Đại Ý Kinh Pháp Hoa, THPG-TP.HCM Ấn hành, 1990.
2. HT Thích Trí Quảng, Lược Giải Kinh Pháp Hoa, NXB-TP.HCM, 1999.
3.HT Thích Thiện Siêu, Kinh Pháp Hoa Giữa Các Kinh Điển Đại Thừa, NXBTP.HCM, 1999.
4.HT Thích Thiện Siêu, Lược Giảng Kinh Pháp Hoa, NXB Tôn Giáo, 2003.
5. HT Thích Chơn Thiện, Tư Tưởng Kinh Pháp Hoa, NXB Tôn Giáo, 1999.
6. HT Thích Trí Tịnh, Pháp Hoa Kinh Cương Yếu, NXB Tổng Hợp TP. HCM, 2006.
7.TT Thích Thiện Trí, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Nghĩa, THPG-TP.HCM Ấn hành, 1994.
8. HT Thích Thanh Từ, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải, THPG-TP.HCM Ấn hành, 1993.
9. HT Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, NXB. Tôn Giáo, 2005.
10.Trần Tuấn Mẫn (dịch), Đạo Phật Ngày Nay, NXB. Thuận Hóa,1997

1 nhận xét:

  1. adidaphat. phat phap nan phung . tri an va quy y tam bao

    Trả lờiXóa