10/7/10
QUAN ĐIỂM CHỮ HIẾU TRONG ĐẠO PHẬT
Thiết nghĩ,Thân tứ đại này có được đều do hai đấng sanh thành tạo nên. Cha mẹ, người đã sinh ra chúng ta. Ơn sinh thành dưỡng dục ấy cao vời vợi, nên mới nói “Công cha như núi ngất trời, nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông”. Ơn đức cao vời như vậy, phận làm con cái phải làm như thế nào mới báo đáp cho vừa công sức của cha và mẹ? Ở đây, người viết xin giới thiệu đề tài “Quan Điểm Chữ Hiếu Trong Đạo Phật”, nhằm nêu rõ quan điểm chữ hiếu của người con Phật, bằng cách trình bày những vấn đề có liên quan đến Chữ Hiếu trong Phật giáo.
Chúng ta đã biết Đạo Phật là đạo giải thoát. Con cái báo hiếu Cha mẹ, không phải chỉ phụng dưỡng Cha mẹ bằng tất cả của cải vật chất, mà còn giúp cho Cha mẹ có được lòng tin chân chánh, giới hạnh chân chánh, trí tuệ chân chánh, hiểu biết thế nào là đạo giải thoát và sống theo nếp đạo giải thoát, là nguồn gốc của mọi thiện tâm, đem lại hạnh phúc cho tự thân và chính thân nhân của mình. Bởi vậy, Chúng ta cần phải tìm hiểu nội dung sau:
1. Đức Phật tán thán công ơn Cha mẹ là to lớn khó lòng đền đáp.
Ơn hiếu dưỡng của hai đấng sanh thành không những diễn tả qua những lời thắm thiết nghĩa tình trong dân gian như “Công Cha nghĩa Mẹ cao vời, Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta. Nên người, ta phải xót xa, Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao”, mà còn ảnh hưởng sâu sắc trong Phật giáo. Đức Phật đã khẳng định công ơn Cha mẹ rất cụ thể trong kinh “Này các Tỳ kheo, cái này là nhiều hơn, tức là sữa Mẹ các người đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, chứ không phải là nước trong bốn biển” . Đức Phật lại nói tiếp: "Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, này các Tỳ kheo, nếu một bên vai cõng Cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho Mẹ và Cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, Mẹ Cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ Mẹ và Cha..." .Rồi Đức Phật giải thích, vì sao công ơn Cha Mẹ đối với con cái to lớn đến thế. "Vì cớ sao? Ví rằng, này các Tỳ kheo, Cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này" Thành quả con cái đạt được đều nhờ sự tận tâm chăm sóc, chỉ dạy của Cha mẹ. Cho nên, mới ví “Ơn Cha lành tựa như núi Thái, đức Mẹ hiền sâu tựa biển Đông”, dù con cái báo đáp muôn đời cũng không sao cho tận nghĩa tình này.
2. Cha mẹ đã làm những gì cho Chúng ta?
Người xưa có câu: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”. Dù chúng ta tu Đạo nào có học hay không học, hiếu vẫn là gốc, là trên hết, là tất cả. Là con người thì phải lo tròn đạo hiếu, phải nhớ ân nghĩa và đền trả những ân nghĩa ấy. Bởi vì, Chúng ta từ lúc sinh ra cho tới lúc trưởng thành nên danh phận trong xã hội, nếu không có Cha mẹ nuôi dưỡng, lo lắng, chuẩn bị cho cuộc đời của chúng ta, thì làm sao có được ngày hôm nay, làm sao có thể thành tựu được những gì quý báu trong đời. Trong kinh Vu Lan Phật đã chỉ dạy cho ngài A Nan, nói về những việc mà Cha mẹ đã làm cho con cái như ;
-Một là trong thời gian mười tháng cưu mang, người mẹ phải thận trọng giữ gìn, nuôi nấng chăm sóc thai nhi hết sức chu đáo.
- Hai là đến ngày sanh nở sự nguy hiểm và khó nhọc trăm phần: sanh được thì sống, không sanh được thì chết.
- Ba là mẹ chịu cực khổ nuôi con từ tấm bé. Mỗi khi trái gió trở trời em bé nóng mình khó ở thì người thao thức bỏ ăn mất ngủ, nhưng không vì vậy mà phiền hà.
- Bốn là mẹ ăn đắng nuốt cay, để dành bùi ngọt cho con.
- Năm là săn sóc chăm chút cho con từng ly từng tí, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.
- Sáu là sú nước nhai cơm, bế bồng bú mớm.
- Bảy là mẹ phải chịu đựng ô uế, tắm rửa giặt giũ đồ dơ cho con.
- Tám là lớn lên, khi con đi ra,Cha mẹ phải lo lắng buồn phiền.
- Chín là Cha mẹ cam chịu nghiệp chướng khổ đau, chỉ mong cho con được sung sướng.
- Mười là Cha mẹ kham nhẫn sự thiếu thốn để con được sống thanh nhàn. Thật vậy, Âm Dương tức Trời Đất, thì người Cha tức Dương và người Mẹ tức Âm, chẳng khác nào ban ngày và ban đêm hay nói khác đi, nếu không có Thiên Địa tức Trời Đất, thì không thể tạo nên chúng sanh tức con người được, cho nên nếu không có "Cha sanh, Mẹ dưỡng" thì không thể có chúng ta. Bởi vì “Có Cha, có Mẹ thì hơn, Không Cha, không Mẹ như đờn đứt dây”
3. Bổn phận người làm con phải báo hiếu Cha mẹ
Nói đến Cha mẹ là phải nói đến sự hy sinh cho các con cả cuộc đời và cả tâm hồn lẫn thể xác. Chính vì tình thương và lòng hy sinh cao cả như thế, phận làm con cần phải hiểu rõ tình thương và sự hy sinh của Cha mẹ; hiểu để đền ơn đáp nghĩa với đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người. Về phương diện đền ơn Cha mẹ, Đức Phật có dạy: "Dù là tại gia hay xuất gia, dù là Thanh Văn hay chư Phật đều có bổn phận đền ơn cha mẹ. Vì tâm hiếu là tâm Phật". Đức Phật đã dạy trong Trường bộ kinh IV về bổn phận người Phật tử tại gia đối với Cha mẹ như sau:
. Phụng dưỡng cha mẹ (Bhavana): Tức phải hết lòng cung kính cha mẹ, không làm cho cha mẹ buồn khổ, không nói lời vô lễ mà thể hiện sự phụng dưỡng bằng tinh thần như thăm viếng cha mẹ trong những khi họ cô đơn, bệnh hoạn xế chiều; hoặc là sự cung phụng bằng vật chất như vật thực, thuốc thang, chỗ ngụ, y phục...
. Làm việc thay thế cho cha mẹ (Kicca kavana): Là chúng ta phải gánh vác tất cả những việc gì mà trước đây cha mẹ đã vì ta mà gánh chịu. Đây cũng là lẽ thưòng tình của đời sống xã hội, không riêng gì Phật giáo. Đã là người con trưởng thành thì cần phải làm thay thế cho cha mẹ, để cho cha mẹ có thời gian thụ hưởng những ngày tháng nhàn rỗi cuối cuộc đời.
. Gìn giữ gia phong tốt đẹp (Kùlavam sathapana): Là gìn giữ gia phong đạo đức tốt đẹp; lược bỏ đi những phong tục cổ hủ vô bổ cho gia tộc cũng như cho xã hội. Chẳng những thế, cần phải làm phát huy thêm những truyền thống tốt đẹp để làm vang xa tiếng tốt của gia tộc.
. Bảo quản tốt tài sản thừa tự (Dàyai jàpati pajjana): Đã là tài sản của cha mẹ thì bổn phận người con là cần phải bảo quản tốt, thậm chí còn cần phải làm cho chúng sinh sôi nảy nở. Vì tài sản đó rất đặc biệt, chúng không phải tự dưng mà có, cũng không phải do vị Trời nào ban thưởng cả, mà chúng có được là do chính máu, mồ hôi, nước mắt của cha mẹ đã tạo ra chúng, nên bổn phận làm con phải tỏ lòng trân trọng hiếu kính gìn giữ chúng.
. Tạo phước hồi hướng khi cha mẹ đã quá vãng (Đakkinànuppadana): Theo Phật giáo, khi cha mẹ còn hiện tiền thì người con phải làm sao cho cha mẹ luôn sống trong niềm an lạc hạnh phúc. Ngược lại, khi cha mẹ đã quá vãng thì người con cần phải tạo thật nhiều công đức để hồi hướng phần công đức đó đến cha mẹ. Có như vậy cha mẹ mới thật sự sống trong sự an lạc, vì nếu như họ đã quá cố không may mà tái sanh vào cõi khổ, thì sau khi tùy hỷ theo cái phước mà người con đã hồi hướng ấy mà mau thoát ra cõi khổ ấy để tái sanh cõi lành.
Ngoài bổn phận báo hiếu Cha mẹ đối với người tại gia, người xuất gia không những như thế mà còn hơn thế nữa! Bởi vì, người xuất gia là từ bỏ danh lợi thế gian, từ bỏ những tình cảm hẹp hòi vị kỷ gắn liền với danh lợi thế gian, từ bỏ tham, sân, si. Xuất gia là chấp nhận tất cả chúng sinh, tất cả mọi người trong xã hội không phân biệt thân sơ đều là người thân tất cả, đều là Cha mẹ, anh em, con cái ruột thịt của mình. Đức Phật được tôn gọi là đấng Từ phụ, vì Ngài yêu thương tất cả chúng sinh như người mẹ thương yêu người con một của mình. Người xuất gia cũng vậy, noi gương Đức Phật, xem toàn bộ xã hội như là gia đình của mình, mọi ngưòi trong xã hội đều là bà con thân thiết, đều như Cha Mẹ, anh em, con cái ruột thịt của mình.
Nhưng điều quan trọng là người xuất gia báo hiếu bằng cách xây dựng đức tin cho Cha mẹ thiếu đức tin, khuyến khích Cha mẹ bỏ ác làm lành, bố thí và tu học chánh pháp, có được trí tuệ chân chánh. Và như vậy, theo lời Phật dạy, chánh là báo hiếu Cha Mẹ một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất.
Đức Phật dạy rằng, lòng tin là sức mạnh. Vì vậy, đem lại cho Cha mẹ lòng tin, tức là đem lại cho Cha mẹ sức mạnh. Đức Phật dạy: "Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên về năm phương diện. Thế nào là năm? Lớn lên về lòng tin, lớn lên về giới, lớn lên về học hỏi, lớn lên về bố thí, lớn lên về trí tuệ. Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên vì năm sự lớn lên này." (Tăng Chi II, 49).Cần chú ý là Đức Phật tán thán lòng tin không phải vì lòng tin, mà vì lòng tin dẫn tới giới hạnh, học hỏi, bố thí và trí tuệ. Con cái đem lại lòng tin cho Cha Mẹ, cũng tức là đem lại cho Cha Mẹ giới hạnh, học hỏi, bố thí và trí tuệ.
4. Các tấm gương hiếu hạnh trong kinh
Nói đến hiếu hạnh, không thể quên tấm gương sáng ngời của thái tử Tất Ðạt Ða, đã phát tâm xuất gia, chứng quả giác ngộ trở thành vị Chánh giác để giải thoát cho mình và mọi người ra khỏi khổ não thiêu đốt, gần nhất là để đền đáp công ơn sanh thành sâu dày của ông bà Cha mẹ là một minh chứng, kế tiếp đó tôn giả Mục Kiền liên khi chứng quả La hán ngài đã dùng thần thông soi xét nơi chốn của Mẹ mình đang trú ẩn để tìm cách cứu giúp Mẹ là một cách báo hiếu trọn vẹn của đạo Phật cả hai mặt thể xác và tinh thần. Ngoài hai tấm gương nêu trên thì những tấm gương hiếu hạnh trong kinh điển Phật giáo đề cập đến rất nhiều, trình bày qua nhiều câu chuyện sinh động, hấp dẫn. Như truyện thái tử Tu Đại Noa số 14 trong Lục độ tập kinh, nổi tiếng bậc nhất về hạnh bố thí của Bồ tát - mở đầu truyện, thái tử được giới thiệu là “Thờ cha giống như thờ trời”hoặc câu truyện số 43 cũng ở trong Lục độ tập kinh, kể về một vị Bồ tát tên Thiểm, lòng thương rộng khắp, xót vì người đời không trọng Tam bảo, nên quyết vào chốn núi đầm tu tập, đem theo Cha mẹ già để dễ bề phụng dưỡng. Bấy giờ Cha mẹ tuổi già, đôi mắt hết sáng, Thiểm lấy làm buồn, nói đến rơi lệ “Đêm thường ba lần dậy, thăm hỏi hàn huyên. Nết hạnh chí hiếu, tiếng thơm bay khắp. (...) Sáng dậy, hái quả, chưa từng thử trước. Đức nhân chiếu xa, cầm thú nương nhờ”. Không may, trong một lần cha mẹ khát nước, Thiểm đi ra suối, bị vua Ca Di lắp tên bắn nhầm. Trong cơn sinh tử, chàng thốt lời rằng: “Ai lấy một mũi tên mà giết ba đạo sĩ? Cha mẹ tôi tuổi già lại bị mù lòa, một buổi không có tôi, thì ắt phải chết”. Lòng không hề oán hận, chàng chỉ một mực nghĩ đến song thân. Khi hay chàng đem cha mẹ vào ở núi này, bỏ hết dơ, học lên chí đạo, vua Ca Di chỉ biết nghẹn ngào rơi lệ, đau xót than rằng: “Ta vì bất nhân, giết oan mạng vật lại giết người chí hiếu”. Lòng từ hiếu của chàng lay động cả trời thần. Trời Đế Thích bèn hóa thân xuống trần, lấy thuốc trời cứu Thiểm. Cha mẹ Thiểm và vua rất đỗi vui mừng. Vua nói: “Do đức thờ Phật, chí hiếu, nên mới được vậy”, rồi ra lệnh cho quần thần: “Từ nay về sau nhân dân cả nước đều phải thờ Phật và mười đức lành, tu theo hạnh chí hiếu của Thiểm”. Cả nước làm theo, sau đó nước giàu dân mạnh, bèn được thái bình. Hạnh chí hiếu của người con thật cao cả, khiến nhiều người phải noi gương .
Nói tóm lại Quan Điểm Hiếu Hạnh Trong Phật Giáo nhằm xác định việc báo hiếu Cha mẹ về phương diện vật chất lẫn tinh thần đi đôi với nhau, là việc làm cần thiết và quan trọng trong đạo Phật. Người con hiếu thảo trước nhất phải làm tròn bổn phận làm con, sống đời đạo đức và trí tuệ. Kế đến người con hiếu còn phải vận dụng nhiều phương cách để hướng dẫn cha mẹ trên con đường tu tập chánh pháp của đức Phật. Để làm việc đó, người con có thể đóng vai trò của một vị thiện tri thức gương mẫu và tiên phong trước cha mẹ mình. Sự hiệu quả trong tu tập chánh pháp của bản thân sẽ trở thành chất xúc tác tốt cho việc chuyển hóa Cha mẹ, giúp Cha mẹ vững tin noi theo con đường chân lý của đức Phật. Người con bấy giờ không chỉ là người bạn đạo mà còn là người hướng đạo cho Cha mẹ, để cùng Cha mẹ sống an lạc và giải thoát trong chánh pháp của đức Phật. Hiếu thảo như vậy để tạo hành trang cho những người con hôm nay và mai sau, để xây dựng tịnh độ tại nhân gian, trong đó các bậc cha mẹ là các đức Phật trong nhà.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
chào thầy
Trả lờiXóahttp://www.vedepphatphap.com/