9/7/10
CHÚNG CON THÀNH TÂM HƯỚNG VỀ ĐẤNG GIÁC NGỘ
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ở Ấn Độ cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ. Ngài chính là kết tinh của Bi, Trí, Dũng, là tấm gương sáng để chúng sanh noi theo trên lộ trình giải thoát. Bởi vậy, ngày Phật Đản Sanh là ngày quan trọng nhất mà toàn thể người con Phật bằng lòng thành kính thiết tha hướng về Đấng Giác Ngộ.
Chúng Con Thành Tâm Hướng Về Đấng Giác Ngộ Vì Lòng Từ Bi Mà Thị Hiện Ở Cõi Sa Bà Này.
Lòng từ bi ấy thật khó diễn tả bằng lời, Chúng con chỉ thấu ngộ bằng tự thân này, bằng sự bất giác của một chúng sanh đang còn quanh quẩn trong sanh tử. Thiết nghĩ, ngay từ khi còn là một Thái tử, Ngài đã luôn lộ vẻ trầm tư và trên gương mặt lúc nào cũng thoáng nét buồn khó tả. Ngài luôn thao thức đi tìm một phương pháp hoàn mãn nhằm giúp muôn loài thoát khỏi những thống khổ của cuộc đời.Với thao thức ấy, từ một Thái tử sống trong cung vàng điện ngọc, có cả vợ đẹp con ngoan, và mặc cho sự ngăn cản quyết liệt của thân phụ, Ngài vẫn quyết tâm từ bỏ tất cả và khoác lên mình chiếc áo thô sơ, một thân một mình vượt rừng lội suối để lên đường tầm sư học đạo. Trải qua bao nỗi gian truân khó nhọc, thử nghiệm. Cuối cùng, Ngài đã dừng lại dưới cội Tất-bát-la và phát nguyện rằng nếu không chứng được đạo quả Bồ-đề thì quyết không rời khỏi cây này. Từ đó, suốt 49 ngày đêm, Ngài không ngừng nỗ lực tư duy thiền định, chiến đấu với ngoại cảnh. Nhờ quyết tâm mãnh liệt như vậy. Ngài đã đại ngộ, đã thấy được nguyên nhân khổ đau của chúng sanh và tìm ra được phương pháp hoàn mãn nhất để loại trừ nó. Ngài đã thân hành giáo hóa chúng sanh suốt 49 năm. Đến đâu Ngài cũng đem giáo lý Từ Bi Bình Đẳng ban bố cho chúng sanh. Ngài nói lên tiếng nói yêu thương, khuyến hóa chúng sanh. Phật dạy: “Chánh pháp của ta là chánh pháp tự lợi và lợi tha. Ai có khả năng tiếp nhận sự hóa độ thì ta cũng tạo yếu tố hóa độ cho họ” Nên Ngài không quên khuyến hóa thánh chúng. Hãy vì tình thương chúng sanh mà du hành hóa độ. Đem ánh sáng từ bi, trí tuệ ban bố cho chúng sanh. “Hãy ra đi, các Tỳ Kheo đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Hãy đem lại sự tốt đẹp lợi ích vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Mỗi người hãy đi một ngã. Này hỡi các Tỳ Kheo. Hãy hoằng dương chánh pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo cả hai tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng vừa toàn thiện vừa trong sạch. Có những chúng sanh vướng ít nhiều cát bụi trong mắt nếu không nghe giáo pháp sẽ sa đọa. Cũng có những người am hiểu giáo pháp. Chính Như Lai cũng ra đi. Như Lai sẽ đi về hướng Uruvela ở Sananigama để hoằng dương chánh pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được như vậy các con đã hoàn tất nhiệm vụ”. Lợi lạc chúng sanh ở quốc độ kham nhẫn này không gì hơn từ bi. Khổ đau đã có mặt khi chúng sanh tái sinh ở cõi ác nên bản tính thường can cường và ít cảm thông cho nhau. Vì thế, truyền bá giáo lý từ bi là sứ mạng của người xuất gia. Để thực hiện nhiệm vụ ấy Đức Thế Tôn dạy cho các Tỳ Kheo hộ trì và tu tập ngay bản thân mình, tìm một đường sống tốt đẹp, không gây đau khổ cho thế nhân. Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, người nói Pháp không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với ta. Này các Tỳ Kheo, người nói Pháp không tranh chấp với một ai ở đời”. Hoàn cảnh sống không tranh chấp ấy, tâm hành giả sẽ được an tịnh, từ đó mới không phân biệt giáo hóa chúng sanh. Đời sống luôn là yếu tố chi phối rất nhiều đến con đường tu tập của hành giả. Đức Phật chỉ bày rất rõ ràng. Để thực tập tốt hơn tâm hạnh từ bi hành giả phải chọn một lối sống thích hợp. Phật dạy: “Sống giữa chúng sanh, hãy dẹp lại một bên gươm đao và các loại khí giới, không gây tổn thương cho bất luận ai, không làm cho ai phải xót đau vì một đứa con hay một người bạn, nhưng hãy mạnh dạn tiến bước như Chúa sơn lâm”. Ngài đã chọn tâm từ bi như một phương pháp thực tập an trú trong tất cả mọi hoàn cảnh và tâm từ bi như một sức sống làm an tịnh tâm thức mình, từ đó hướng về chúng sanh bằng tất cả diệu dụng từ bi.
Chúng Con Thành Tâm Hướng Về Đấng Giác Ngộ Vì Bậc Nhất Thiết Trí Mà Thị Hiện Ở Cõi Sa Bà Này.
Chúng con thiết nghĩ “Điểm tận cùng của khoa học chỉ là mức khởi đầu của Phật giáo”.Vì Đức Phật đã tỏ ngộ chân lý tuyệt đối và giảng dạy cho đồ chúng những gì Ngài biết bằng trí tuệ siêu xuất của mình. Nền khoa học trước đây vẫn còn sơ khai, con người chưa có kính hiển vi hay viễn vọng, cũng chưa có phi thuyền không gian, thế mà Phật đã biết trong ly nước có vô số vi trùng, trong vũ trụ có hằng sa thế giới. Bởi vì Ngài nhìn trong vũ trụ thấy thế giới nhiều không thể kể hết, nên trong kinh thuộc Hán tạng có những câu "Hằng hà sa số thế giới", nghĩa là thế giới nhiều như cát sông Hằng (Ganges), hoặc câu "vi trần sát" nghĩa là cõi nước (sát) nhiều như những hạt vi trần. Ðến nay các nhà thiên văn học nhờ kính viễn vọng nhìn thấy trong bầu hư không có không biết cơ man là thế giới. Vô số ngôi sao lấp lánh hiện trên nền trời trong lúc ban đêm, mà mắt chúng ta nhìn thấy được, là những hành tinh (thế giới), còn không biết bao nhiêu hành tinh khác quá xa, mắt chúng ta không thể nhìn thấy được. Chính đây là bằng chứng cụ thể, nhờ khoa học giúp chúng ta hiểu được lời Phật dạy cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ. Lại nữa, có lần đức Phật cùng các thầy Tỳ-kheo đi vào rừng, nhìn thấy những lá cây rơi lả tả, những lá vàng úa sắp lìa cành, đồng thời có những chồi non vừa nẩy lộc và những mầm vừa nhú khỏi vỏ cây, Ngài dạy các thầy Tỳ-kheo "Thế giới đang hoại, sắp hoại và đang thành, sắp thành, cũng như lá cây trong rừng đang rụng, sắp rụng và đang nẩy chồi, sắp nẩy chồi." Vì thế, đức Phật thường dạy thế giới có bốn thời kỳ "thành, trụ, hoại, không". Ngày nay các nhà khoa học cũng thừa nhận thế giới phải trải qua bốn thời kỳ như thế. Ðây là cái nhìn thích hợp giữa Phật học và khoa học mà cách nhau thời gian quá xa. Chỗ thấy biết của đức Phật đúng sự thật, hợp chân lý, nên trải qua thời gian dài mà vẫn không sai chạy hay lạc hậu. Ðức Phật không dùng cái thấy biết tuyệt vời ấy để phân tích ngoại cảnh, sử dụng ngoại cảnh phục vụ con người. Ngài chỉ dùng cái thấy ấy biết ấy để soi sáng thẳng vào con người, để thấy biết tường tận về con người từ thể xác lẫn tinh thần. Biết rõ con người rồi, đức Phật dạy cách sống đúng tư cách con người, đồng thời chuyển hóa thân tâm để được an lạc trong hiện tại và mãi sau kia. Có lần đức Phật cùng các thầy Tỳ-kheo đi vào rừng Simma, Ngài dùng tay nắm một nắm lá cây đưa lên hỏi các thầy Tỳ-kheo: "Lá cây trong tay ta nhiều hay lá cây trong rừng nhiều?" Các thầy Tỳ-kheo thưa: "Lá cây trong tay Thế Tôn rất ít, so với lá cây trong rừng." Ðức Phật dạy: "Cũng thế, chỗ ta thấy biết nhiều như lá cây trong rừng, những điều ta dạy các ông ít như lá cây trong nắm tay ta”. Ðiều này khiến chúng ta thấy rõ, Ngài đã khẳng định trong kinh luật Pàli “Ta là bậc thắng tất cả, Ta là bậc nhất thiết trí” hoặc trong kinh luật Hán Tạng có nói. Sau khi thành đạo, Ngài đi tới vườn Lộc Uyển để thuyết pháp cho năm vị Tỳ kheo cùng tu với Ngài trước kia. Trên đường đi, một người ngoại đạo tên Ưu-ba-kỳ-bà đã hỏi Đức Phật tu theo đạo nào, ai là bậc đạo sư của Ngài, Phật trả lời “ Nhất thiết trí trên hết, không phiền không ô nhiễm. Ta tu không nhờ thầy, tự nhiên đạt Thánh đạo”.
Chúng Con Thành Tâm Hướng Về Đấng Giác Ngộ Vì Đại Dũng Mà Thị Hiện Ở Cõi Sa Bà Này.
Chúng con thường nghe nói về đức Dũng của Thái tử Tất- đạt-đa, khi Ngài cương quyết rời bỏ cung vàng điện ngọc vợ đẹp con xinh và ngôi báu đang chờ mình để vượt thành Ca Tỳ La Vệ đi về một nơi vô định. Hành động ấy thể hiện ý chí kiên cường mãnh liệt của Ngài để chiến thắng tất cả ma vương mà thành Chánh Giác, rồi vượt qua muôn ngàn gian khổ để thuyết pháp độ sanh, đem lại an lạc cho đời. Ngài quả là biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại Dũng, tự thân Ngài luôn tỉnh giác để chiến thắng ma vương một cách vẻ vang oanh liệt. Chủ trương về đại Dũng Ðức Phật nhấn mạnh hai điểm. Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy y tựa chính mình, không y tựa một ai khác. Hãy lấy chánh pháp làm ngọn đèn, hãy lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác. Chính hai quan điểm này có thể được xem là phản ảnh trung thực đời sống tìm đạo, hành đạo, chứng đạo của Thế Tôn dựa trên kinh nghiệm bản thân của Ngài và cũng gói ghém trọn vẹn tất cả giáo pháp Ngài. Thật vậy, chúng ta thấy rõ, trong hơn sáu năm tầm đạo, hành đạo và chứng đạo, Thế Tôn đã tự mình dùng nỗ lực cá nhân, đã tự mình tự lực tìm đạo, hỏi đạo với hai vị đạo sư ngoại đạo thời danh là Alara Kalama và Uddaka Ràmaputta, đã tự mình tự lực hành trì khổ hạnh, đã tự mình tự lực hành thiền, và cũng tự mình tự lực phát triển trí tuệ và cuối cùng thành đạo dưới gốc cây Bồ Ðề, thành bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ngài không nhờ một thần lực nào, không phải là hiện thân của một đấng thiêng liêng nào, không phải là hóa thân của một đấng tối cao nào. Ngài chỉ là một người, với sức mạnh thể lực và trí lực của con người, đã tự mình tìm đạo và tìm đạo thành công, đã tự mình hành đạo và hành đạo có kết quả, đã tự mình chứng đạo và chứng đạo hoàn toàn viên mãn.
Cuối cùng, Chúng Con Thành Tâm Hướng Về Đấng Giác Ngộ Vì Tinh Thần Bi, Trí, Dũng mà thị hiện giữa thế gian này để làm đóa hoa Vô Ưu bừng nở giữa cõi đời. Thầm mong, ngày Phật đản sanh nhân loại hưởng được niềm hạnh phúc vô biên.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét