13/3/11
CỐT TỶ KINH KIM CANG BÁT NHÃ
Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật là tóm tắc kinh Ðại Bát Nhã. Trong kinh nầy Phật đã dạy không nên trụ chấp các tướng. Phàm cái gì có hình dạng đều là hư vọng, nếu thấy được các pháp ( tướng ) đều hư vọng, không thật ( phi tướng ), tức thấy được Như Lai ( thật tướng các pháp ). Ở một đoạn Phật nói : ‘ Tu Bồ Ðề ! Có người nói Như Lai đặng quả Bồ Ðề. Thật ra, Như Lai là bản thể như như của các pháp, nên Như Lai không đặng pháp gì cả ‘, và một đoạn khác nữa : ‘ Tu Bồ Ðề ! Như Lai nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai. ‘
Trong kinh nhiều lần Phật khuyên không nên trụ chấp tứ tướng, trụ chấp các pháp, thành Phật, Phật có thuyết pháp, mà cũng không chấp ‘ đoạn diệt ‘( chấp không ).
Trong kinh Phật tán thán công đức vô lượng vô biên đối với người phát tâm bồ đề thọ trì, đọc, tụng hoặc giảng dạy kinh nầy, trọn quyển, nửa quyển cho đến tối thiểu là 4 câu kệ, thì phước đức nhiều hơn người có của bằng 7 món báu vật, đựng đầy vô lượng vô số thế giới đem chúng ra bố thí. Phật đã dạy: ‘ Tại sao người thọ trì, đọc, tụng và giảng dạy kinh nầy, phước đức nhiều hơn người kia ? Vì người nầy chẳng chấp thủ các tướng ( ngã, pháp ) nhập được thể tánh Kim Cang, như như bất động vậy, ‘ Bài kệ của đức Phật đã nói :
Nhứt thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh. Như lộ diệc như điện. Ưng tác như thị quán.
Tạm dịch :
Phải quán làm sao được thế nầy, Bao gồm các pháp hữu vi đây, Tuồng như mộng ảo như bào ảnh,
Nhẹ tợ sương và chớp lẹ trong mây.
Phật nói kinh nầy vì ông Tu Bồ Ðề đã hỏi :
- Vân hà ưng trụ ?
- Vân hà hàng phục kỳ tâm ?
Nghĩa là: ‘- Làm sao an trụ chơn tâm ?- Làm sao hàng phục vọng tâm ?’. Ðức Phật đã dạy trong câu tinh yếu nhất :
- Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
Nghĩa là : ‘- Ðừng để tâm trụ nơi nào cả thì điều phục được tâm ‘.
Cho nên tâm kinh, phá chấp các pháp, để tâm đừng trụ vào ngũ uẩn, lục căn, lục trần, lục thức, đừng có để vọng tâm tìm kiếm một cái gì hay tìm cầu chứng đắc một quả vị gì. Có như thế thì tâm mới vắng lặng, dứt sạch mọi mê lầm, nhập Niết bàn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét