Chùa Thập Tháp Là Một Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Thời Nguyễn, Thuộc Thôn Vạn Thuận, Xã Nhơn Thành, Huyện An Nhơn, Do Thiền Sư Nguyên Thiều Sáng Lập Vào Năm 1665. Chùa Ở Vị Trí Sát Mặt Thành Phía Bắc Kinh Đô Đồ Bàn Cũ Và Thành Hoàng Đế Sau Này, Trên Một Ngọn Đồi Cây Cối Rậm Rạp, Chu Vi Gần 1km2, Trước Mặt Là Ngọn Thiên Bút Sơn Hay Còn Gọi Là Núi Mò O. Về Mặt Phong Thủy Mà Xét Đoán, Khi Chọn Hướng Để Xây Dựng, Thiền Sư Nguyên Thiều Có Lẽ Đã Lấy Núi Này Làm Bức Bình Phong Che Chắn Cho Mặt Chính Của Chùa. Sau Lưng Được Bọc Bởi Chi Lưu Của Sông Côn Chạy Dọc Theo Sườn Đồi. Phía Bắc Là Con Sông Quai Vạc, Xưa Gọi Là Bàn Khê, Uốn Lượn Chạy Về Phía Đông, Đối Diện Với Chùa Được Thiết Kế Hồ Sen Rộng Chừng 500m2, Bờ Xây Bằng Đá Ong. Đến 1680, Chùa Chính Thức Mới Được Xây Dựng Bề Thế, Với Tên Gọi Lúc Bấy Giờ Là Di-Đà-Tự. Chất Liệu Xây Chùa Tương Truyền Dùng Gạch Của 10 Ngọn Tháp Đổ Của Người Chăm Nằm ở Phía Sau Đồi Long Bích. Hiện Nay Quanh Chùa Còn Thấy Dấu Vết Các Nền Tháp, Và Rải Rác Còn Có Một Số Mảnh Đá Trang Trí. Phía Sau Chùa Hiện Còn Có 4 Giếng Vuông Xây Bằng Đá Ong. Kiến Trúc Chùa Thập Tháp Di Đà Theo Hình Chữ Khẩu, Được Chia Thành 4 Khu Vực: Chánh Điện, Phương Trượng, Tây Đường Và Đông Đường. Các Khu Này Nối Liền Với Nhau Bằng Một Khoảng Sân Bên Trong, Còn Gọi Là Sân Thiên Tỉnh (Giếng Trời) Có Tác Dụng Điều Chỉnh Ánh Sáng Cho 4 Khu Kiến Trúc Trên. Trong 4 Khu Kiến Trúc, Chánh Điện Là Khu Được Kiến Trúc Bề Thế Nhất, Gồm 5 Gian Bằng Gỗ, Bên Trong Là Bộ Khung Có 4 Hàng Cột Cái, 4 Hàng Cột Quân, 8 Cột Con Và 16 Cột Hiên. Bộ Sườn Kết Cấu Theo Kiểu Kẻ Chuyền, ở Đầu Đỡ Thượng Lương Là Trụ Lỏng (Chày Cối) Thô, Trang Trí Họa Tiết Hoa Sen, Xếp Sách… Những Đoạn Trích Cấu Tạo Kiểu Giá Chiêng, Hai Đầu Chạm Hoa Cuộn; ở Những Điểm Như Đầu Kèo, Vật Kê Đều Được Chạm Hình Rồng Cách Điệu, Nét Trơn Uốn Lượn Trang Nhã Trong Lòng Chánh Điện Được Bài Trí Các Khám Thờ; Khám Chính Chiều Cao 5m, Bên Trên Được Chạm Lưỡng Long Tranh Châu, Hai Bên Trang Trí Kiểu Long Phụng Cách Điệu Mây Là, Giữa Đề Chữ Phúc, Phía Dưới Khám Là Đề Tài Bút Sách, Tất Cả Đều Được Sơn Son Thếp Vàng. Hai Khám Thờ Trái Và Phải Của Khám Chính, Cũng Được Bố Cục Như Vậy, Mô Típ Chạm Khắc Cầu Kỳ Hơn Được Chạm Lộng Hai Lớp, Hình Rồng Cuộn Xoáy Phức Tạp, Mang Dáng Dấp Của Mỹ Thuật Thời Lê. Ngoài Ra Còn Có 3 Khám Thờ Khác Nhưng Bố Cục 3 Khám Này Khá Đơn Giản Không Có Gì Đặc Biệt. Mặt Trước Hành Lang Là Bộ Cửa Bàn Pha, Được Ghép Liền Với Nhau Tất Cả 14 Cánh, Trên Tạo Song Tiện, Dưới Lấp Kín Chữ Phúc Và Hoa Văn Kỹ Hà. Bên Trên Ngưỡng Là Dải Ô Sen Chạy Theo Rui Cửa Chạm Bài Lệ Của Tổ Sư Đạo Nguyên Có Tất Cả 24 Chữ, Các Đầu Kèo Đưa Ra Đoạn Này Trang Trí Nhẹ Nhàng Bằng Những Hoa Văn Hình Rồng, Nét Thanh Thoát Uyển Chuyển. Bên Ngoài Hai Đầu Hồi Xây Gạch, Hệ Thống Cửa Cấu Tạo Đơn Giản. Chánh Điện Lợp Ngói Âm Dương, Mái Thẳng, Các Góc Không Cong, Bờ Nóc Chạy Thẳng, Nay Được Tạo Hình Lưỡng Long Tranh Châu. Kế Tiếp Sau Chánh Điện Là Khu Phương Trượng, Được Kiến Trúc Theo Kiểu Nam Trung Quốc, Được Cải Tạo Và Nâng Cấp Vào Năm 1973, Mái Ngói Âm Dương, Bên Trong Kết Cấu Bộ Sườn Gỗ Và Dạng Khám Thờ Được Lắp Ráp, Chạm Trổ Khá Đẹp. Khu Vực Tây Đường Và Đông Đường Cũng Được Kiến Trúc Giống Như Phương Trượng. Ngoài 4 Khu Vực Trên Phía Tây Còn Có Một Nhà Chánh Thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Công, Thập Điện…. Hình Thái Kiến Trúc Chùa Thập Tháp Hiện Nay Là Kết Quả Của Nhiều Lần Trùng Tu, Gần Đây Nhất Là Vào Năm 1997, Chùa Được Nâng Cao Lên So Với Mặt Bằng Cũ 0,60m Nhưng Khuôn Viên Kiến Trúc Vẫn Giữ Được Nguyên Như Cũ. Tuy Được Kết Hợp Hòa Quyện Giữa Cái Cũ Và Cái Mới, Nhìn Chung Hệ Thống Liên Kết Của Chùa Thập Tháp Vẫn Tuân Thủ Theo Nguyên Tắc Truyền Thống Của Kiến Trúc Việt Nam - Hoàn Toàn Dùng Mộng, Không Dùng Đinh Hoặc Lạt Buộc. Ngoài Giá Trị Về Kiến Trúc, ở Đây Còn Có Nhiều Tác Phẩm Điêu Khắc, Hiện Vật Có Giá Trị Về Nhiều Mặt Còn Được Lưu Giữ Cho Đến Ngày Hôm Nay. Mặc Dù Kiến Trúc Mới Được Làm Lại Gần Đây, Nhưng Những Gì Còn Lại ở Nơi Đây, Đã Đưa Thập Tháp Lên Hàng Đầu Trong Các Ngôi Chùa Có Kiến Trúc, Điêu Khắc Đẹp Nhất ở vùng Bình Định.

24/1/11

Nhận Định Của ALBERT EINSTEIN Về Phật Giáo


Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối, đã phát biểu như sau:
“Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi ý nghĩa về Thượng đế và tránh nói đến những giáo lý và thần học. Tôn giáo ấy sẽ bao quát tất cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên cơ sở đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể mà không rời nhất thể. Phật giáo đáp ứng được những yêu cầu ấy. Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu được với những nhu cầu hiện đại của khoa học thì đó là Phật Giáo”
[The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend personal God and avoid dogma and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things natural and spiritual as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that could cope with modern scientific needs it would be Buddhism.]

Ngoài ra, Einstein cũng cò đưa ra những nhận xét sau đây:

" PHẬT GIÁO KHÔNG CẦN XÉT LẠI QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH ĐỂ CẬP NHẬT HÓA VỚI NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI CỦA KHOA HỌC. PHẬT GIÁO KHÔNG CẦN TỪ BỎ NHỮNG QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH ĐỂ CHẤP NHẬN KHOA HỌC, BỞI VÌ PHẬT GIÁO BAO GỒM KHOA HỌC, ĐỒNG THỜI CŨNG VƯỢT QUA KHOA HỌC. Phật Giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật Giáo đã kích thích con người khám phá ra những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống chung quanh. PHẬT GIÁO SIÊU VIỆT THỜI GIAN VÀ MÃI MÃI CÓ GIÁ TRỊ."

20/1/11

Cảm Nhận Xuân Của Các Thiền Sư


Không gì tuyệt đẹp hơn hình ảnh của mùa xuân, khi hoa đào hoa mai hé nở, khi những mầm xanh đang e ấp chờ đợi trăng nước tháng ngày và sự chuyển giao của đất trời để vẫy vùng sự sống. Vẻ đẹp của mùa xuân đã thêu dệt nên những vần thơ rạng ngời hương sắc qua cảm hứng của kim cổ thi nhân; song song với cảnh sắc huy hoàng đó, các thi nhân cũng đã gợi lên vô vàn hình ảnh xuân thì của các cô gái nõn nà hay những mảnh tình xuân phơi phới được thì thầm trong cõi thi ca lung linh sắc màu xuân biếc. Đi vào cõi thơ xuân, bên cạnh những thinh sắc lộng lẫy của trời xuân, chúng ta có thể nhận ra sự nồng nàn, nỗi khát khao vòi või và hụt hẫng khôn nguôi của các thi nhân đối với xuân, bởi vì mùa xuân cứ đến và đi, hững hờ như nước xuôi cầu, và thi nhân thì cứ muốn lưu giữ lại bóng dáng yêu kiều thuở nao của nàng xuân vô thường đó, rồi nức nở… Vượt lên trên những khát vọng về tình sắc mong manh của xuân, các thiền sĩ đã tạo nên một cõi xuân thi với gam màu riêng biệt qua bút pháp thanh tao tiêu nhã và bằng cảm quan siêu thoát trong đời sống bọt bèo hư ảo. Cứ mỗi mùa xuân về lật từng trang thơ thiền, chúng ta có cảm tưởng như đang sống trong cõi xuân huyền nhiệm, rưng rưng đâu đây hoa vàng sắc biếc trong cuộc đời đầy giá buốt xa xăm.
Mở đầu tông phong trong cõi Thiền xuân này là bài thơ Cáo Tật Thị Chúng nổi tiếng của Thiền sư Mãn Giác (1052-1096)- vị cao tăng thời Lý. Bài thơ chỉ có vỏn vẹn ba mươi bốn chữ trong sáu câu nhưng đã bao hàm toàn bộ tư tưởng tinh hoa của Thiền học cũng như tính thể của nguồn thơ,
春去百花落 春到百花開
事逐眼前過
老從頭上來
莫謂春殘花落盡
庭前昨夜一枝梅
Nếu vẻ đẹp của Đường thi là nỗi xuyến xao vời vợi về hai nàng xuân, một trở về một biền biệt như:
“Hoa đào (vẫn) cười cợt gió đông
Mà nay chẳng thấy bóng hồng nơi nao”
(Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong).(Đề Đô Thành Nam Trang-Thôi Hộ )
thì vẻ đẹp của Thiền thi trong thơ của Thiền sư Mãn Giác là linh thể bất diệt ngay trong đêm tối diệt sinh, và được phát họa sinh động qua hai câu kết bằng một cành mai vàng nở giữa đêm khuya trước khi xuân đã tàn hoa đã rụng nhưng nào ai hay biết:
“Đừng nói xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
(Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.)
Mặc dầu chất xuân trong Thiền thi của Thiền sư Mãn Giác không tạo ra nỗi khắc khoải mông lung nghìn đời của nhân thế hoặc không muốn gây nên cảm giác chơi vơi cho người yêu thơ, nhưng bài thơ này đã có một bước bộc phá mới và thôi thúc chúng ta đi tìm sự bí ẩn đã tạo nên vẻ đẹp thanh thoát ly kỳ về nó. Bí ẩn này có thể tạm thời được biết như là cành tâm xuân luôn hiện hữu trong dòng đời buồn tẻ phù hư.
Có thể từ âm hưởng của cành mai Mãn Giác mà các thế hệ Thiền thi Việt nam về sau đều đã tạo nên những sắc phong của cõi tâm xuân thay vì mô tả khung cảnh hữu tình của bướm hoa mây nước:
“Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,
Bướm liệng hoa cười vẫn đúng kỳ,
Nên biết bướm hoa đều huyễn cả,
Thây hoa mặc bướm để lòng chi.”
(Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
Hoa điệp ưng tu tiện ứng kỳ,
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp vấn tâm trì).(Giác Hải thiền sư)
Với tư tưởng “nhậm vận” nên các Thiền sĩ chẳng thấy xuân còn hay mất để rồi ôm ấp những hoài niệm hay mơ về một tiếng pháo xưa khi mùa xuân qua đi:
“…Năm ba ngày nữa tin xuân đến,
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.”(Nguyễn Khuyến)
Đối với Thi nhân, sự xoay vần của mùa xuân và nỗi khát khao về nó đã bắc nhịp cho thơ giao cảm được tiếng lòng của nhân thế; nhưng một lúc nào đó nhà thơ bỗng cảm thấy ê hề với những khát ái bất tận của chính mình trước sự hữu hạn của xác thân như một nghịch lý của tâm và cảnh:
“Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.”(Hồ Xuân Hương)
Mảnh xuân vô thường kia cứ đi đi lại lại khiến cho tình đời thêm già nua và tẻ nhạt, vì vậy nhà thơ cứ mãi ao ức níu kéo hương sắc của xuân với thời gian không bến đợi:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”(Vội Vàng-Xuân Diệu)
Trong khi đó thiền nhân đã có được những phút giây tương ngộ với mảnh chân xuân trong thời gian vô cùng và ý thức về chiếc bóng choàng trên cái sinh thức phiêu bồng vô hạn nên đâu có sắc màu để héo úa nhạt phai:
”bao thiên niên kỷ, nhìn mây nước
giật mình, thấy bóng vẫn không phai..” (Lãng Mạn Khúc Du Xuân-CS Liên Hoa)
Chiếc “bóng không phai” là linh thể tối thượng không nhuốm sắc màu thời gian, không bị chi phối bởi bốn mùa mưa nắng rồi cuống lên vì lo sợ ngày xuân vun vút trôi qua “mau với chứ thời gian không đứng đợi.” (Xuân diệu). Không vồn vã rượt bắt mùa xuân, Thiền thi phác họa nhãn quan linh động với cái nhìn thiền quán về lẽ sắc-không khi mùa xuân đến:
“Tuổi trẻ chưa tường rõ sắc – không
Xuân về hoa bướm rộn tơ lòng
Chúa Xuân nay bị ta khai phá
Chiếu trải giường thiền, ngắm cánh hồng.”
(Niên thiếu hà tằng liễu sắc, không
Nhất Xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá Đông Hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.) (Phật Hoàng Trần Nhân Tông)
Trên căn bản quán chiếu, thơ thiền không bị lôi kéo vào thiên kiến vui buồn thương tiếc của thế nhân với những nỗi chập chờn đơn lạnh nghìn đời của nhân thế khi ngày xuân không bao giờ trở lại như Đông Hồ đã tâm sự:
“Tưng bừng hoa nở thắm ngày xuân
Rực rỡ lòng cô hoa ái ân…
Cô buồn, cô tiếc, cô ngùi ngậm
Cô nhớ ngày xuân nhớ tuổi thơ.” (Cô gái xuân)
Tuy nhiên một vài thi nhân tài hoa của làng thơ cũng không kém phần kiêu hãnh và ngang tàng khi ghép rượu đề thơ để tạm quên đi ngày tháng đất trời, để không còn bị câu thúc trước sự tàn nhẫn của thời gian đã làm đau thương trái tim của họ. Như Lý Bạch đã thổn thức: “Ðời chỉ là giấc mộng lớn, cớ gì mà bận lòng, cho nên ta uống rượu say lúy túy, khi tỉnh rượu mới hay ra xuân về, chim hót trong cành hoa, chẳng biết hôm nay là ngày nào, rồi những cảm xúc cất lên, ta nghiêng bình rượu trước cảnh sắc huy hoàng, và hát khúc chờ trăng sáng, khi khúc ca vừa dứt thì tình cũng đã vừa quên.”
(Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh
Sở dĩ chung nhật túy
Ðối nhiên ngọa tiền doanh
Giác lai miện đình tiền
Nhất điểu hoa gian minh
Tá vấn thử hà nhật?
Xuân phong ngữ lưu oanh
Cảm chi dục thám tức
Ðối chi hoàn tự khuynh
Hạo ca đãi minh nguyệt
Khúc tận dĩ vong tình.) (Xuân Nhật Túy Khởi Ngôn chí)
Tại sao những nhà thơ lớn đôi khi phải dùng đến men rượu như để thách thức và vượt qua những khổ lụy của đời thường? phải chăng trong cơn men say người ta mới cảm giác rằng trường đời là mộng mị? cho nên để đạt được tâm trạng sảng khoái này nhà thơ phải mượn bình rượu như một thú tiêu dao siêu thái trong cõi “siêu phàm nhập thánh?”
”Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà.” (Nguyễn Công Trứ)
Trong cõi Thiền, vạn vật là đối tượng để cho người nhập đạo quán chiếu và trãi nghiệm; trong đời sống thường nhật cũng như trong thi ca, thiền không tạo ra những cảm giác khắc khoải chập chờn giữa mộng và thực thay vì nó điều phối sắc màu mùa xuân qua cái nhìn về thực tại một cách sinh động và hài hòa:
Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.
(Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.) (Thiền Lão Thiền Sư)
Hay
“Trùng dương Cúc nở dưới rào
Trên cành Oanh hót thanh tao dịu dàng.” (Thiền sư Viên Chiếu)
Xa hơn, thơ thiền vượt thoát yếu tố của định luật nhị nguyên được giới hạn giữa người và cảnh, giữa tâm và vật, giữa một và hai …: Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả, ta biết xuân nhau có một thì.(Cô Lái Đò-Nguyễn Bính). Thiền thi tiêu diêu trong vẻ đẹp thanh thoát của đóa xuân vô tướng mà nhà thơ đã cảm nghiệm và tương phùng trong cái nhìn vô sai biệt:
“Người ở trên lầu hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đóa hoa vàng chợt nở tung”
(Hoa tại trung đình, nhân tại lâu
Phần hương độc tọa tự vong ưu
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.) (Thiền sư Huyền Quang-bản dịch của Nguyễn Lang)
Người với hoa không là hai, chỉ có sự nở tung của cành hoa hay là thực tướng nghìn đời hiển hiện trong giây phút thực tại mầu nhiệm; với lối diễn đạt này giúp cho người đọc thôi đi việc đuổi hình bắt bóng thay vì trực nhận ảo giác của chính mình trên cành xuân đó:
“ Hoa pháo đỏ thềm này
Mơ xuân ở bờ kia
Đôi bờ đều như mộng
Xuân – Thu ở đâu kìa?” (Xuân cảm-Vĩnh Hảo)
Vì quá nao nức nên thi nhân không thể nhận diện được mùa xuân hiện hữu ngay tại đây trong phút giây hiện tại và không thể sống trọn vẹn ngay cả trong cuộc mộng du của chính mình:
“Vì say sưa quá nên tôi đã
Đem đổ hồn xuân xuống suối hồ!” (Xuân-Nguyễn Bính)
Mùa xuân trong thơ thiền không có pha chế những sắc màu man mác, thương sầu lẫn lộn để thôi miên người đọc cùng thổn thức nhịp đập chung của trái tim nhân thế hoặc “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây,” nhưng nó vẽ nên một phong thái dung nhiếp thực tại giữa người và cảnh hay đúng hơn là bản chất “tuỳ duyên” trong bối cảnh không-thời gian khác biệt: xuân nương du thảo địa, hạ hưởng lạc hạ kỳ…” Với điểm nhắm vào thực tại, Thiền thi dù vô tình hay cố ý cũng đã quên đi sắc màu thời gian quá khứ:
Sống ngày nay biết ngày nay
Còn Xuân Thu trước ai hay làm gì!
(Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu Xuân Thu.) (Thiền Lão Thiền Sư)
Vì theo nhãn quan của thiền, quá khứ hay tương lai đều nằm trong khoảnh khắc ý thức; cuộc đời khác gì giấc mộng Trang Sinh, cho nên ý niệm về thời gian xa và gần trước hay sau cũng chỉ là ảo tưởng phủ choàng ảo tưởng; cho nên tự nghìn đời xuân chẳng có gì xa xôi cả:
“Ta gọi xuân về, xuân bướm bay
Trang Sinh nằm mộng biết bao ngày
Thời gian dù có nghìn năm nữa
Xuân đến lâu rồi ai có hay.”(Gọi Xuân Về-Huyền Không)
Hay nói theo cách của thi sĩ Bùi Giáng:
“Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.”(Chào Nguyên Xuân)
Với lập trường “phản bổn hoàn nguyên” và tư tưởng lạc quan, các Thiền sĩ đã thổi chất xuân vào hồn thi ca Việt Nam một cách siêu thái. Ý niệm về bản thể tuyệt đối được lồng trên sắc màu xuân cảnh và tạo nên sự hài hòa giữa chủ thể và đối tượng qua nội dung và cấu trúc của mạch thơ. Chu du trong cõi thơ thiền, người mới vừa nhập môn có cảm thái bàng hoàng như chợt nghe tiếng pháo xuân nổ vang giữa mộng và thực, giữa tỉnh và say, nhưng sau phút giây ngơ ngác đó không ai không một lần ước ao tương ngộ cảnh giới bí huyền với lãng đãng đâu đây cành mai nở vàng trong đêm tối khi xuân đã âm thầm hờ hững ra đi.

14/1/11

BÁT BẤT TRUNG ĐẠO


Chúng ta sống trong thế giới ngày hôm nay đã cách xa Đức Phật hơn 2500 năm lịch sử và cách xa Ngài Long Thọ (Nagajuna) tác giả của Trung Quán Luận là 1.800 năm. Nghĩa là Ngài sinh ra đời tại miền Nam Ấn Độ cách Phật xuất thế khoảng 700 năm; nhưng từ ấy đến nay giáo lý ấy vẫn còn có giá trị thực tiễn. Mặc dầu chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh tinh thần và vật chất tại Âu Mỹ nầy.

Bát bất gồm có 8 loại không. Đó là: Bất sinh bất diệt, bất đoạn bất thường, bất nhất bất dị và bất khứ bất lai. Đây là 8 loại lập luận để thấy con đường trung đạo. Nghĩa là không phải cái nầy mà cũng chẳng phải cái kia. Thông thường chúng ta chấp có, chấp không, chấp còn chấp mất, chấp sinh chấp diệt, chấp đến chấp đi v.v... Vì lẽ ta dùng con mắt bình thường của thế gian để xem và phán xét như thế. Còn Bồ Tát nhìn sự vật của tâm thức trước và sau rỗng không vô định, chẳng có giới hạn bởi thời gian và không gian; cho nên mới đưa ra lập luận ấy.

Bất sanh bất diệt: Nghĩa là ta vốn chẳng sinh ra và cũng chẳng mất đi. Cái mà gọi là sinh đó, thật ra nó chỉ là một hiện tượng. Vì ta thấy có một con người, một sự vật hiện hữu ở đời nầy. Rồi sống một thời gian trên cõi thế để rồi một ngày nào đó ta phải ra đi; gọi việc ấy là mất; nhưng mất cái gì và còn cái gì? - Cái được gọi là mất đó thật sự ra nó cũng chỉ là một sự trả lại cho đất trời vạn vật; cho đất, nước, gió, lửa mà thôi. Vì khi ta sinh ra ta đã vay mượn của thiên nhiên vạn vật thì khi ta chết đi ta chỉ trả lại mà thôi. Do vậy mà dưới mắt Bồ Tát chẳng có sự sinh và chẳng có sự diệt. Ta mất chỗ nầy, ta sẽ hiện hữu ở nơi khác và từ nơi khác sẽ đến chốn nầy để tồn tại một thời gian; rồi một ngày nào đó sự hiện hữu ấy cũng phải thay đổi vậy.

Bất đoạn bất thường; nghĩa là chẳng mất mà cũng chẳng còn. Cái chẳng mất ấy chính là tâm thức của ta. Tâm ta giống như một dòng điện. Dòng điện ấy luôn luôn tồn tại ở mọi nơi, mọi chỗ và mọi hình thức khác nhau; nhưng khi một bóng đèn cháy rồi, ta không còn thấy ánh sáng nữa, ta gọi là mất; nhưng thực sự ra ánh sáng ấy vẫn còn, nó đang hiện hữu trong dòng điện ấy. Bằng chứng là nếu ta thay một bóng đèn khác thì nó sẽ sáng lên. Ánh sáng ấy nói là thường cũng không đúng, mà nói là mất cũng không đúng. Vì lẽ ánh sáng ấy chỉ thay đổi, xê dịch tùy thời mà thôi. Tâm thức ta cũng giống như vậy. Khi ta còn cảm giác thì bảo rằng ta biết. Khi hơi thở hết rồi thì gọi là chết, mà ngay cả hơi thở ấy cũng vay mượn của đất trời, chứ đâu có cái gì là của ta. Nó không có chủ thể thật sự. Khi hít không khí vào để nuôi buồng phổi, rồi thở không khí ra để tạo sự tuần hoàn. Khi không còn hít thở được nữa thì ta bảo rằng đã dứt sự sống. Tâm thức ấy thực sự ra không hoàn toàn là một tâm thức độc lập. Nếu ta là người thì tâm ta là người. Nếu ta là vật thì dòng tâm thức ấy sẽ thay đổi thành sự nhận biết của con vật, chứ không thể là sự nhận biết của con người được. Do vậy nếu nói tâm ấy thường còn là điều không đúng. Như vậy tâm ấy sẽ đi về đâu? - Đó chỉ là một sự biến tướng của sự nhận thức. Khi làm chúng sanh thì tâm ấy là chúng sanh. Khi làm A La Hán thì tâm ấy sẽ chuyển đổi; khi làm Bồ Tát thì tâm ấy lại càng mạnh mẽ hơn để lao vào đời mà cứu độ chúng sanh. Khi thức đã chuyển thành trí trọn vẹn thì tâm ấy là Niết Bàn, Vô Ngã, Chơn Như, Tịch Tịnh. Cũng là một dòng nước; nhưng khi chảy đến chỗ đất lở thì ta thấy đục và khi chảy đến chỗ cát hoặc sỏi đá ta thấy trong. Sở dĩ ta thấy trong hay đục là do nhận thức chấp trước của mình mà có, chứ thật ra nước không trong mà cũng chẳng đục. Do vậy mà tâm nầy cũng chỉ thế thôi.

Bất nhất bất dị nghĩa là không phải một mà cũng chẳng phải khác. Điểm nầy hơi khó. Vì lẽ ít có loại triết học nào giống như triết học của Trung Quán. Đa phần các học thuyết khác đều dựa vào một đấng thần linh để làm chủ tể sinh ra vạn vật và có mọi quyền năng bắt buộc loài người phải tuân theo; nhưng ở giáo lý của Đức Phật không có điều đó. Có nghĩa là không ai sinh ra loài người cả. Ngoại trừ nghiệp lực của con người đã tự tạo trong quá khứ và chính nghiệp nầy đã và sẽ dẫn ta đi lên thiên đường hay xuống địa ngục mà thôi. Trong truyện Kiều phần hết có 4 câu thơ thật hay có thể diễn tả được tính cách nầy.

"Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách bởi trời gần trời xa

Thiện căn vốn tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"

Có lẽ nhờ tụng kinh Kim Cang 300 lần; mỗi lần ít nhất là một tiếng rưỡi đồng hồ; nên cụ Tiên Điền Nguyễn Du mới kết được truyện Kiều thâm thúy như vậy.

Rõ ràng là do nghiệp và vô minh tạo tác mà thành, rồi biến đổi: chứ tuyệt đối chẳng có cái gì sanh và bị sanh, ngoại trừ nghiệp lực chi phối. Điều quan trọng ở đây là gốc vốn thiện ở cõi lòng thì kết quả của nghiệp là thiện chứ không thể trái ngược lại. Nếu có, vả chăng đó chỉ là sự vay trả chưa xong của nhiều đời; nên bây giờ phải trả tiếp đó mà thôi.

Không khác mà cũng không nhiều hay không giống. Điều ấy có nghĩa là ngoài cái nầy không có cái kia; hoặc ngược lại. Như ngoài A không có B và ngoài B không có A.

Nhứt nguyên luận hay nhị nguyên luận và tam đoạn luận của Âu Châu cũng xuất hiện đồng thời với Trung Quán Luận nhưng không thể sánh bằng và Trung Quán Luận đã vượt lên trên tất cả mọi lập luận ấy vào những thời buổi ban đầu của thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch.

Ở Âu Châu thời ấy chỉ có một vị thần sinh ra mọi sự thưởng phạt của thế gian. Điều nầy không có trong giáo lý Phật Giáo. Như vậy nó sẽ vô lý là ai đã tạo ra vị thần kia? Hay vị thần ấy tự sinh? Nếu tự sinh thì không đúng với luật tuần hoàn của vũ trụ và của khoa học.

Nhị nguyên luận có nghĩa là cái nầy có cho nên cái kia có. Nếu cái nầy không có thì cái kia không có. Ví dụ như A sinh ra B, rồi B sinh ra C. Nếu A không có thì B sẽ không có và dĩ nhiên là không có C. Nhưng câu hỏi được đặt ra cho phái nhị nguyên luận của Âu Châu là ai sinh ra A thì họ không trả lời rõ ràng.

Tam đoạn luận thì đa phần chúng ta đều biết. Đó là triết thuyết của Socrates người Hy Lạp, đương thời đã thuyết phục được Âu Châu là:

"Tất cả mọi người đều phải chết

Tôi là người

Vậy tôi phải chết"

Đây là một sự lập luận gián đoạn và chỉ có tính cách thời gian, chứ không có tính cách phổ quát. Còn Trung Quán Luận thì không giống như 3 loại lập luận của triết học Âu Châu thuở bây giờ. Ngài Long Thọ lập luận là: Trong cái nầy nó có cái kia và trong cái kia nó có cái nầy. Ta đang sống cũng có nghĩa là ta đang đi đến chỗ chết. Và sự sống chỉ là sự tiếp nối của cái nầy và cái kia trong một thời gian nhất định nào đó, rồi nó thay đổi.

Ví dụ như trong cây bao giờ cũng có hoa và trong đá bao giờ cũng có lửa. Về mùa đông ta không thấy hoa; nhưng khi xuân đến hoa kia lại khoe sắc thắm. Vậy hoa từ đâu mà có? Do biến thể của đất trời vạn vật và thiên nhiên; nhưng hoa chỉ trổ khi có đầy đủ yếu tố thuận lợi. Phật tánh cũng giống như thế. Phật tánh ấy không ngoài mà cũng chẳng ở trong. Nhưng nếu đầy đủ yếu tố thì cái tánh Phật ấy sẽ thành Phật; chứ ta không cần đi tìm Phật ở bên ngoài.

Lửa cũng như thế, vốn tự có trong đá. Ta chỉ cần va chạm 2 hòn sỏi, cục đá với nhau thì ta sẽ có lửa. Điều kiện ắt có và đủ ở đây chính là động tác tạo lửa; cũng không phải vì ta làm cho va chạm mà có lửa. Vì lửa đã sẵn có; nhưng vì điều kiện lúc ấy đã chín muồi; nên lửa lại phát sanh. Phật tánh cũng giống như vậy. Do những tư lương Bồ Đề thành thục thì Phật tánh lại hiển lộ. Do vậy mà ta thấy có người đã thành Phật, mà có kẻ vẫn còn là chúng sanh.

Bất khứ bất lai là chẳng đến mà chẳng đi. Thân và tâm nầy thật ra cũng chẳng từ nơi nào đến mà cũng chẳng phải đi về đâu. Ví như gió thổi, mây bay. Ta ở đây thì có gió, cây bị động. Nên ta thấy có hiện tượng gió; nhưng gió bắt nguồn từ đâu và sẽ đi về đâu thì chẳng ai trả lời được. Tâm nầy cũng thế; nó hiện khi ta thức và nó ẩn khi ta ngủ. Nếu nói lúc ngủ không còn tâm thì tại sao khi ta thức, cái sự hiểu biết ấy nó lại hiện hữu và khi ta chết thì bảo là mất; nhưng cái biết ấy nó sẽ mất đi đâu và nó sẽ đi về đâu?

Vậy thì trước khi ta đến thế giới nầy, ta là ai? Và sau khi ta chết đi, ta sẽ đi về đâu? Theo lập luận của Ngài Long Thọ thì ta không đến mà ta cũng chẳng đi. Sở dĩ mà ta thấy có đến và có đi, vì ta thấy có sự hiện hữu của một con người, với thân tứ đại nầy; nhưng con người ấy nó sẽ không là gì cả so với cái to lớn của đất trời vạn vật và của không gian cũng như thời gian trong một hay nhiều kiếp lai sinh.

Trong thân thể của mình có sự vay mượn và sự hiện hữu của mẹ cha. Thế mà khi cha mẹ hay người thân mất ta bảo là không còn gì nữa. Đó là một sự ảo tưởng. Tại sao không còn? Thử hỏi dòng máu nầy, gương mặt kia từ đâu mà có, nếu không phải từ cha mẹ sinh? Do vậy mà ta bảo rằng mất; nhưng điều ấy chẳng mất; nó chẳng mất mà nó cũng chẳng còn. Vì nó phải bị chi phối bởi thời gian, nên phải chết và thay đổi dáng hình. Như vậy ta bảo rằng đi khuất hay đã mất; nhưng khuất cũng có nghĩa là sẽ hiện lại khi cần và cái mất ấy chỉ có tính cách tương đối, chứ chưa và không tuyệt đối. Vậy thì tâm nầy hay thức nầy nó chẳng từ đâu đến và khi mất đi thì nó cũng chẳng đi về đâu. Do vậy mà trong kinh Kim Cang, Phật dạy rằng:

"Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc và vị lai tâm bất khả đắc". Nghĩa là tâm quá khứ đã chẳng được, tâm hiện tại cũng như thế và tâm vị lai thì biến đổi trong từng sát na sanh diệt. Vậy thì cái gì là có, cái gì là không? Cái gì còn và cái gì là mất? Dưới mắt của Bồ Tát thì mọi hiện tượng trong thời gian nầy chỉ là một sự biến tướng giống như người mang cặp kính nhiều màu. Khi đeo màu nầy thì ta thấy đối tượng là màu ấy. Khi ta thay đổi màu khác thì ta bảo rằng đối tượng kia đã đổi màu; nhưng trong thực tế thì đối tượng không thay đổi, chỉ có ta đang thay đổi vị thế của các cặp kính ấy.

Trung Đạo là nói về cái lý sở tác. Chính quán và Trung quán là nói về cái trí năng chứng ấy. Hơn nữa đối với thiên (lệch lạc) thì gọi là Trung, đối với tà thì gọi là chính. Trung Đạo ở đây có nghĩa là:

"Phi nhất, phi nhị thị vi trung đạo"

Nghĩa là: "Không một mà cũng chẳng hai, đó là con đường chính giữa"

Con đường chính giữa là con đường phủ nhận những loại cực đoan bên nầy hay bên kia, tốt hay xấu. Đây là cái lý. Còn điều chính yếu là nói về cái trí năng phân biệt mọi việc của tâm thức. Ta sẽ biết đâu là đúng và đâu là sai. Sở dĩ mà có sự sai đúng. Vì ta chấp vào chỗ thấy biết của mình làm chủ; nhưng thật sự ra sự thấy biết của mình căn cứ nơi cái gì để cho là đúng. Tất cả cũng chỉ là sự chấp ngã và chấp tướng và ngay trong sự chấp đó cũng đã có sự thay đổi rồi; nên chẳng có gì là chân lý khi tâm ta vẫn còn vọng động và đối đãi. Cái tuyệt đối ở đây có nghĩa là mọi vật và mọi việc nó là: "như nhị". Như thế ấy đó. Cái gì đến cứ để cho nó đến. Cái gì đi hãy để cho nó đi. Hãy đừng tiếc thương, ái luyến. Cũng đừng sầu khổ, vấn vương. Điều quan trọng là hãy biết chấp nhận sự thật của cuộc đời. Mà sự thật của cuộc đời là gì? - Là cái không to tướng, là cái không do mọi sự giả hợp mà thành. Sở dĩ ta khổ đau bởi vì ta thấy có. Bây giờ ta hiểu được lẽ trung đạo rồi thì có không nó cũng chẳng phải thực tướng nên ta không bị chi phối bởi đối tượng, mà ta phải làm chủ lại đối tượng. Do vậy mà Minh Châu Hương Hải Thiền Sư của Việt Nam chúng ta thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nói rằng:

"Có thời có tự mảy may

Không thời cả thế gian nầy cũng không

Cho hay bóng nguyệt dòng sông

Nào ai hay biết có không là gì ?"

Có thì một chút cũng gọi là có, mà không thì to lớn bao nhiêu cũng gọi là không. Khi bóng trăng chiếu trên mặt nước thì ta bảo rằng có trăng, có nước và khi trăng di chuyển đi nơi khác, mặt nước vẫn còn đó; nhưng ta lại chẳng thấy trăng đâu, rồi ta lại nói không. Đây chỉ là một hiện tượng vần xoay của mặt trời, mặt trăng và quả đất. Còn ta, ta vẫn bị cái đến đi nó chi phối trong từng giờ từng phút như vậy.

Hai câu cuối mới thật là tuyệt vời. Giống như 2 câu thách đố của những hành giả tu hành. Đó là việc có không ấy ai biết được. Kẻ nào biết được thì chính kẻ ấy là kẻ hiểu đạo. Rõ được đường đi lối về của 2 nẻo tử sinh. Trong đời nầy chỉ có việc sinh và tử là quan trọng, mà biết được và làm chủ được chính mình, thì còn gì hơn được nữa.

Đối với những bậc giải thoát giác ngộ thì tâm thường tự tại an nhiên, trạm tịch. Tuyệt nhiên không gợn một chút phiền não nào. Còn tâm ta cũng vậy; nhưng chỉ toàn là bụi trần che phủ nên khi hành động một việc gì thì cũng chỉ toàn là khổ đau và sầu muộn. Ta đã biết mọi lý kỹ rồi. Bây giờ chỉ còn chấp nhận và thực hành thì mới có kết quả khả quan được. Nếu không hạ thủ công phu ngay từ bây giờ thì chẳng khác nào ta thấy một món ăn ngon mà ta chưa cầm đũa và chưa thưởng thức thì giá trị của món ăn ấy ta vẫn chưa cảm nhận được trọn vẹn nơi khẩu vị của mình. "Có thực mới vực được đạo" là vậy. Chữ thực ở đây không nhất thiết là ăn mà là chứng thực hay hiểu rõ được chân lý. Ấy là thực. Thực đây là hiểu sự thật của vạn pháp và rõ được đường đi lối về.

Giáo lý Trung Đạo nầy do Ngài Đại Luận Sư Long Thọ đã chủ trương, nhằm xiển dương tinh thần Đại Thừa Phật Giáo và lấy từ căn bản của Phật Giáo Nguyên Thủy. Ngay cả Phật Giáo Nguyên Thủy cũng chưa hẳn đã hoàn toàn chấp nhận quan điểm nầy; nhưng theo Ngài, Ngài bảo rằng: Tất cả nền giáo lý ấy mà không có một phái ngoại đạo nào phá vỡ được, thỉ đó chính là giáo lý của Đức Phật và là giáo lý của Đại Thừa". Nói như thế không sai. Vì lẽ cái nầy khi lớn lên không phải chỉ có một cái gốc, hay chỉ có một cành, mà cành ấy phải tỏa ra cành lá sum sê thì cây ấy được gọi là cây phát triển. Ở đây tinh thần Đại Thừa giáo cũng vậy, lấy những điểm chính trong giáo lý của Đức Phật để xiển dương tinh thần giác ngộ giải thoát. Tuy có đi ra ngoài khuôn mẫu; nhưng nó là sự phát triển của một thân cây, nhất là cây ấy đã có mấy ngàn năm lịch sử.

13/1/11

Những người thông minh nổi tiếng nhất thế giới


Albert Einstein, nhà vật lý người Mỹ gốc Đức, cha đẻ của thuyết tương đối. Ông sinh ngày 14/3/1879, tại thành phố Ulm, miền Nam nước Đức. Phụ thân ông, một kĩ sư và là chủ một doanh nghiệp nhỏ ngành kĩ nghệ điện hóa. Bộ não của ông có điểm đặc biệt là thùy não dưới lớn hơn nhiều so với người bình thường". Những câu nói nổi tiếng của ông là: "Nếu tôi thực sự sai, chỉ cần một người chống lại là đủ", "Sự khác biệt giữa thiên tài và kẻ ngu dốt là ở chỗ thiên tài luôn có giới hạn". Ông được mệnh danh là người thay đổi thế giới, là đỉnh cao của Khoa học và Nhân văn. Chỉ số thông minh (IQ) của ông là 160.

Isaac Newton, là một nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học tự nhiên và nhà toán học vĩ đại người Anh. Ông sinh ngày 25/12/1642 và mất ngày 20/03/1727. Ông nổi tiếng với nguyên lý vạn vật hấp dẫn và định luật Newton, được coi là nền tảng của cơ học cổ điển, đã thống trị các quan niệm về vật lý, khoa học trong suốt 3 thế kỷ tiếp theo. Ông được đánh giá là người có nhiều ảnh hưởng hơn Albert Einstein, và là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử khoa học. Isaac Newton đã từng nói “Nếu bạn hỏi một người giỏi trượt băng làm sao để thành công, anh ta sẽ nói với bạn: ngã, đứng dậy là thành công”. Chỉ số thông minh (IQ) của ông là 190.

Bill Gates, là người giàu nhất Thế giới hiện nay, đồng sáng lập tập đoàn phần mềm khổng lồ Microsoft. Ông sinh ngày 28/10/1955 tại Seattle, Washington, trong một gia đình giàu có. Bố ông, William H. Gates là một luật sư nổi tiếng, mẹ ông Mary Maxwell Gates là một thành viên trong ban giám đốc của ngân hàng Interstate và United Way. Gates là người đi tiên phong trong lĩnh vực phần mềm máy vi tính, một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực này. Chỉ số thông minh (IQ) của ông là 160.Những câu nói bất hủ của ông là "Khi đi học, bạn đứng thứ mấy trong lớp cũng không phải là vấn đề quan trọng. Nhưng khi đã bước chân ra xã hội thì mọi việc lại không đơn giản như vậy. Dù đi đâu hay làm công việc gì bạn cũng nên tạo đẳng cấp cho mình", "Thường thì bạn sẽ không thể trở thành CEO nếu chỉ mới tốt nghiệp trung học. Nhưng khi bạn đã trở thành một CEO thì không còn ai để ý là bạn mới chỉ có tốt nghiệp trung học nữa".

Thomas Edison, là một nhà phát minh và thương nhân đã phát triển rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta trong thế kỷ 20, nổi tiếng nhất là thiết bị "bóng đèn". Ông sinh ngày 11/02/1847 tại Milan, Ohio và mất ngày 18/10/1931. Edison được coi là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử, ông giữ 1.093 bằng sáng chế. Chỉ số thông minh (IQ) của ông là 145.
Câu nói nổi tiếng của ông là: "Tôi đã khám phá ra 10.000 chất không thể sử dụng làm dây tóc bóng đèn (tức sau 10.000 lần thất bại trong việc chế tạo dây tóc bóng đèn)", "Tất cả những người thất bại đều có một điểm chung : họ không nhận ra rằng lúc họ chạm đến thành công chính là lúc họ từ bỏ nỗ lực cuối cùng của mình", "Sự chuẩn bị của hôm nay quyết định thắng lợi của ngày mai".

Mozart (tên đầy đủ Wolfgang Amadeus Mozart), là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng, quan trọng, và có nhiều ảnh hưởng nhất trong thể loại nhạc cổ điển Châu Âu. Ông sinh ngày 27/01/1756 tại Salzburg, Thánh chế La Mã (nay là nước Áo) và mất ngày 05/12/1791. Ông nổi tiếng với tài năng âm nhạc của mình, cái nền tảng âm nhạc đó đến nay được xem là có tác dụng kỳ diệu như kích thích trí thông minh, làm giảm stress, chửa bệnh (bệnh tim, chứng động kinh, suy giảm trí nhớ...). Chỉ số thông minh (IQ) của ông là 153.

Bill Clinton, là cựu tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ từ năm 1993 đến năm 2001. Ông sinh ngày 19/08/1946 tại Hope, tiểu bang Arkansas và lớn lên tại Hot Spring, Arkansas. Ông được đánh giá là tổng thống có trí thông minh cao nhất trong lịch sử nước Mỹ từ năm 1945 đến nay, vượt qua 11 vị tổng thống khác. Chỉ số thông minh (IQ) của ông là 137.

Leonardo da Vinci, là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà sáng tạo và là một nhà triết học tự nhiên. Ông được coi là một thiên tài toàn năng người Ý và rất nổi tiếng với bức họa nàng Mona Lisa. Ông sinh ngày 15/04/1452 tại Vinci và mất vào ngày 02/05/1519. Chỉ số thông minh (IQ) của ông là 180.

Condoleezza Rice, là Ngoại trưởng thứ 66 của Hoa Kỳ. Trước đó, Rice là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Bush trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông. Bà là người Mỹ gốc Phi thứ hai (sau Colin Powell), và là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ cố vấn này. Trước khi là thành viên của chính phủ Bush, Rice là giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học Stanford và được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Viện trưởng (Provost) từ 1993 đến 1999. Ngoài Anh ngữ, Rice có thể nói, với các mức độ thông thạo khác nhau, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Pháp, và tiếng Tây Ban Nha. Bà sinh ngày 14/11/1954 tại Birmingham, Alabama. Bà được đánh giá là một trong những người phụ nữ quyền thế nhất Thế giới. Chỉ số thông minh (IQ) của bà là 185.

Hillary Clinton, là Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm của Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 2009). Hillary kết hôn với Tổng thống Bill Clinton, và vì vậy là Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ từ năm 1993 đến năm 2001. Trước đó, bà là một luật sư danh tiếng. Tháng 9 năm 2006, tên của Hillary Clinton được đưa vào danh sách 100 phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes, ở vị trí thứ 18 và được thế giới đánh giá là hiện thân của người phụ nữ hiện đại hoàn hảo. Bà sinh ngày 26/10/1947 tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ trong một gia đình khá giả, cha bà là một nhà doanh nghiệp. Chỉ số thông minh (IQ) của bà là 140.

Trên đây là danh sách 9 người nổi tiếng thế giới có trí thông minh rất rất cao (nếu không muốn nói là họ có trí thông minh siêu phàm). Và còn có rất nhiều người khác rất thông minh và cũng nổi tiếng như: Johann Wolfgang von Goethe, Descartes, Pascal, Darwin, Ludwig van Beethoven, Warren Buffet, Judith Polgar....